Trục lợi trên sức khỏe cộng đồng: Xử lý nghiêm, không khoan nhượng!
Trục lợi trên sức khỏe cộng đồng
Thời gian qua, thị trường dược phẩm và thực phẩm chức năng trong nước liên tiếp chứng kiến những vụ việc làm giả, buôn bán hàng kém chất lượng với quy mô lớn, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Điều đáng lo ngại là nhiều sản phẩm giả mạo lại nhắm vào nhóm đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, phụ nữ mang thai và đặc biệt là trẻ nhỏ.
Điển hình, ngày 25/4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả tại Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (trụ sở tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Cơ sở này đã sản xuất hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho trẻ em với quảng cáo rầm rộ, đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh.
Trong số đó, hai sản phẩm “Ăn ngon BABY SHARK” và “Medi Kid Calcium K2” bị xác định là giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng và sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo. Điều đáng nói, những sản phẩm này được quảng cáo công khai giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng trí tuệ, nhưng lại không hề qua kiểm định, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe non nớt của trẻ.
Sản phẩm BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech làm giả. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ riêng vụ việc của Herbitech, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hàng chục vụ việc liên quan đến thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, làm giả giấy tờ kiểm nghiệm, quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm. Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm được rao bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: "Hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng và dược phẩm giả là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 của Luật Dược năm 2016. Tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi thì đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
"Người thực hiện những hành vi này còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề trong thời gian từ 6 đến 12 tháng trong trường hợp đã vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi buôn bán thuốc tây giả là buộc phải tiêu hủy tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm".
Những hệ lụy của vấn nạn này đang hiện hữu rõ ràng: Người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe; nguy cơ sử dụng phải hàng giả tăng cao, kéo theo hệ quả xấu về sức khỏe, đặc biệt ở các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Xử lý nghiêm minh
Những vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy, hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý trong lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng còn tồn tại nhiều bất cập. Các quy định pháp lý hiện hành tuy đã có, nhưng chưa đủ chặt chẽ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển và các hình thức phân phối, quảng cáo trực tuyến.
Chế tài xử phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng còn nhẹ, chưa có tính răn đe đủ mạnh. Nhiều đối tượng vẫn bất chấp, coi thường pháp luật, sẵn sàng làm giả giấy kiểm nghiệm, tự ý quảng cáo sai sự thật để thu lợi bất chính.
Chuyên gia pháp lý cho rằng, cần sớm rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm, nhất là các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Song song, phải tăng cường hậu kiểm, siết chặt công tác cấp phép quảng cáo, sản xuất, phân phối.
"Công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc thì mới đạt hiệu quả".
"Cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
"Đồng thời rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe", Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ thêm.
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm phải chịu chế tài nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm cá nhân, tịch thu toàn bộ tang vật, buộc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất và phân phối cũng cần phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Việc công khai thông tin sản phẩm đạt chuẩn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch trong khâu sản xuất, kiểm nghiệm sẽ giúp khôi phục lại niềm tin người tiêu dùng với thị trường thực phẩm chức năng và dược phẩm.
Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có kiểm định chất lượng rõ ràng, tránh mua hàng theo quảng cáo thổi phồng, ham giá rẻ trên mạng xã hội.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép và kiểm định chất lượng. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả không chỉ là biện pháp răn đe mà còn là cách để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm chức năng lành mạnh và bền vững. |