Trôi nổi thị trường sữa xách tay
Chỉ nên mua hàng chính hãng, có tem phụ bằng tiếng Việt, có thông tin chi tiết về các thành phần dinh dưỡng của sữa
Thói quen mua bằng “niềm tin”
Hàng xách tay được hiểu là những mặt hàng từ nước ngoài nhập về Việt Nam theo con đường tiểu ngạch. Người bán hàng thường quảng cáo đây là những sản phẩm nội địa và được các tiếp viên xách về. Các mặt hàng được bán nhiều nhất là đồ công nghệ, hàng Nhật và đặc biệt là sữa bột trẻ em.
Đến các tuyến phố Tây Sơn, Hàng Buồm, Cầu Giấy... người tiêu dùng dễ dàng chọn được các loại sữa xách tay từ những thị trường khác nhau như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga, Đức, Mỹ, Hà Lan...
Bên cạnh các đại lý thì các shop bán sữa online cũng mọc lên như nấm sau mưa và cam đoan không bao giờ có hàng giả. Chỉ cần lên google và tra cụm từ “sữa xách tay” có tới hơn 800 ngàn kết quả, với hàng loạt sản phẩm đủ các nhãn hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản… Điểm chung của những shop bán hàng hàng online như thế này đều là có người nhà ở Mỹ gửi về, nhờ người quen mua ở Đức có bill đầy đủ…. Kèm theo hình ảnh sản phẩm là những dòng hướng dẫn sử dụng, công thức gồm các thành phần gì, chức năng của sản phẩm…
Chị Thanh Thảo (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nước Nhật là một nước tiên tiến có quá trình kiểm duyệt và yêu cầu rất khắt khe với chất lượng sữa bột, vì vậy mình rất tin dùng các sản phẩm của Nhật Bản nội địa. Vì vậy, tuy giá của sữa Nhật xách tay có đắt hơn so với hàng nhập khẩu nhưng do có người quen bán sữa nên tôi vẫn ưa chuộng hàng xách tay hơn”. Khi được hỏi mua hàng xách tay như vậy có đảm bảo được nguồn gốc thì chị cười: “ Đây là chỗ quen biết nên mình rất tin tưởng về chất lượng”. Suy nghĩ của chị Thảo có lẽ là suy nghĩ chung của rất nhiều bà mẹ khi mua sữa xách tay cho con. Họ không quan tâm đến tem nhãn trên vỏ hộp mà "đặt niềm tin" vào cửa hàng quen biết.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Qua tìm hiểu của phóng viên, tâm lý chung nhiều người mua hàng xách tay, đặc biệt là mặt hàng sữa đều cho rằng, sữa xách tay được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho trẻ em nước ngoài nên tốt và đắt hơn là đương nhiên. Chính vì thế, cùng một nhà sản xuất nhưng sữa xách tay được nhiều người tin dùng hơn.
Tuy nhiên, nếu lướt qua những diễn đàn, group trên mạng cũng thường thấy những bà mẹ chia sẻ băn khoăn khi cho con uống sữa xách tay như: “Mua sữa xách tay ở một cửa hàng nổi tiếng, về pha thấy sữa vón cục không biết có bị làm sao không các mẹ” hoặc “ Con em uống sữa này được mấy hôm không hiểu sao cứ bị nôn trớ liên tục, không biết có phải do sữa hay không nữa”…
Tại một hội thảo về chất lượng sữa tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mặt hàng sữa xách tay hiện nay hoàn toàn bị thả nổi. Do nhiều người tiêu dùng còn mang nặng tâm lý sính ngoại và thiếu cảnh giác trong việc lựa chọn sữa cho con nên giá mặt hàng này tăng cao, cũng như rất khó kiểm soát chất lượng. Đáng lo ngại hơn là mặt hàng xách tay đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, do đó, ngay về cách sử dụng, bảo quản, người tiêu dùng đa số làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo "truyền miệng" trên mạng.
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, nếu sử dụng không đúng như quy trình dinh dưỡng của sản phẩm được hướng dẫn thì sản phẩm sữa sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé. Trước sự tràn lan của thị trường sữa ngoại và để đảm bảo lợi ích, an toàn sức khỏe người tiêu dùng, khuyến cáo quan trọng được đưa ra: "Mỗi người mẹ hãy là một người tiêu dùng thông thái".
Bà Nguyễn Phương Hoa, Giám đốc Marketing Công ty Phân phối sữa Glico - hãng sữa Nhật Bản duy nhất được nhập khẩu nguyên hộp về Việt Nam được phân phối tại các cửa hàng, siêu thị Mẹ và Bé trên toàn quốc chia sẻ: Khách hàng chỉ nên mua hàng đã được xác nhận là chính hãng và có tem phụ bằng tiếng Việt, có thông tin chi tiết về các thành phần dinh dưỡng của sữa và hướng dẫn pha sữa chuẩn xác cho mẹ. Đơn cử như khi mua các sản phẩm sữa Glico đang được bán rộng rãi trên thị trường, tại các cửa hàng Mẹ và Bé trên toàn quốc, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn gốc chất lượng sữa đảm bảo như hàng nội địa Nhật và được bán với giá rẻ hơn sữa xách tay 100.000 đồng/lon.