Tôm hùm bông chết không rõ nguyên nhân ở Khánh Hoà
Nhà có 40 ô lồng tôm hùm thương phẩm nuôi khoảng 5 tháng, ông Phan Ngọc Nam (thôn Khải Lương, xã vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) phát hiện có tình trạng tôm chết mỗi ngày, đến nay đã chết khoảng 10%.
Theo ông Nam, khi thấy có dấu hiệu tôm chết, cơ sở dùng thuốc kháng sinh để điều trị 3 đến 4 lần trên tháng nhưng bệnh không thuyên giảm. Hiện các hộ nuôi xung quanh cũng xuất hiện hiện tượng này, nhưng chỉ xảy ra trên tôm hùm bông, không xảy ra ở tôm hùm xanh.
Tôm hùm tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Minh Toàn |
Theo ghi nhận của ngành chăn nuôi và thú y Khánh Hoà, các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Vạn Thạnh có hiện tượng tôm chết khoảng 30 ngày gần đây, 1 ngày chết khoảng 10 con.
Qua thống kê, trên địa bàn xã có khoảng 10.000 ô/lồng, kích thước mỗi lồng nuôi tôm là 2 x 2 x 1,5m. Đối tượng chủ yếu là /chu-de/tom-hum-bong.topic bông, cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng.
Vùng nuôi phát tôm hùm chết thuộc khu Mũi Núi Nai, thôn Khải Lương, xung quanh chủ yếu là núi, mực nước của vùng nuôi từ 12-15m, lồng thả cách mặt nước 1,5m, mật độ nuôi tôm hùm bông 100 con/lồng. Kích cỡ thả nuôi ban đầu khoảng 1,5 - 5 cm/con giống, mua từ thương lái ở TP. Cam Ranh.
Ngày thường, các hộ nuôi cho tôm ăn thức ăn tươi như hàu, cua, ghẹ, hiện tôm hùm bông thương phẩm 5 tháng tuổi nặng khoảng 0,2 - 0,25kg/con.
Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Khánh Hoà cho hay qua đo các chỉ tiêu môi trường, hầu hết các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng hàm lượng ô xy hòa tan ở mức rất thấp (3mg/L).
Chi cục thực hiện xét nghiệm và soi tươi mẫu tôm hùm, không phát hiện ký sinh trùng, nhưng phát hiện tôm bị nhiễm bệnh ăn mòn vỏ kitin (Vibrio sp.).
Ông Lê Thắng thông tin, căn cứ kết quả điều tra, tác nhân gây chết trên tôm chưa thể xác định rõ. Tuy nhiên, khoảng thời gian tôm hùm chết là thời gian giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, kết hợp hàm lượng ô xy hoà tan thấp dưới ngưỡng cho phép (3mg/L), sức đề kháng của tôm yếu có thể gây bất lợi đến sức khoẻ tôm nuôi và gây chết.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã hướng dẫn các hộ nuôi giảm khẩu phần ăn, tiến hành sục khí ôxy với lồng nuôi còn tôm; đồng thời thường xuyên đo các yếu tố môi trường, đặc biệt là ô xy để kịp thời phát hiện các biến đổi về yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý.
Chi cục cũng đã báo cáo tình hình tôm chết đến Chi cục Thú y vùng IV để được chỉ đạo, phối hợp tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh tăng cường theo dõi, giám sát, thường xuyên liên hệ để nắm bắt tình hình diễn biến tại vùng nuôi.