Thứ hai 21/04/2025 15:53

Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng

UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải công cộng.

Đánh giá hiện trạng mạng lưới xe buýt

Ngày 16/4, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố”.

Mục tiêu của Đề án, theo Quyết định, là giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong mạng lưới xe buýt hiện nay. Đề án cũng hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới xe buýt của Thủ đô hợp lý, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Mạng lưới xe buýt sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức trong tương lai.

Bên cạnh đó, Đề án cũng nhằm tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống xe buýt để giảm bớt số lượng phương tiện cá nhân. Từ đó, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Thành phố.

Hà Nội kỳ vọng mạng lưới xe buýt sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức trong tương lai. Ảnh minh họa

Đề án đã đánh giá tổng thể hệ thống xe buýt ở Thành phố Hà Nội, tập trung vào bảy lĩnh vực chính gồm mạng lưới tuyến xe buýt, hạ tầng phục vụ xe buýt, đoàn phương tiện xe buýt, hệ thống vé, chất lượng dịch vụ xe buýt, công tác trợ giá và tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.

Đến nay, Hà Nội có 154 tuyến xe buýt, phủ sóng toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và 88,6% các xã, phường, thị trấn. Xe buýt cũng kết nối với 8 tỉnh thành lân cận. Năm 2023, sản lượng vận chuyển đạt 385,2 triệu lượt hành khách, tăng 13,2% so với năm 2022. Thành phố cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi, như miễn phí đi xe buýt cho người cao tuổi và hộ nghèo, được người dân đón nhận nồng nhiệt. Đến cuối năm 2024, hơn 721.000 thẻ miễn phí sẽ được cấp.

Về vé xe buýt, có nhiều loại phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, như vé lượt, vé tháng, vé tập thể, và vé điện tử đã được thí điểm trên 25 tuyến. Đồng thời, 348 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (khí CNG và điện), chiếm 18,5% tổng số xe, giúp bảo vệ môi trường. Hệ thống thông tin cho hành khách cũng đã được cải thiện với các ứng dụng tra cứu như “Tìm buýt”, “Busmap”, “Vinbus”.

Đề án còn dự báo nhu cầu dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ năm 2025 - 2030 và đưa ra phương án phát triển các tuyến đường sắt đô thị, mở rộng cảng hàng không Nội Bài, cũng như phát triển hệ thống bến xe và các phương án giao thông dài hạn cho Thủ đô.

Phát triển hệ thống xe buýt trong tương lai

Tại Đề án cũng đưa ra các phương án và giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong những năm tới. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Thành phố sẽ tập trung phát triển các tuyến xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khi các tuyến này được đưa vào khai thác. Đồng thời, các tuyến xe buýt sẽ được mở rộng tới các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và bảo tàng. Trong giai đoạn 2031 -2035, mạng lưới xe buýt sẽ được phát triển theo hướng hỗn hợp, phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ.

Một trong những mục tiêu quan trọng là chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện và năng lượng xanh. Cụ thể, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh sẽ đạt khoảng 70 - 90% vào năm 2030 và 100% vào năm 2035. Về hạ tầng, Thành phố sẽ cải tạo và nâng cấp các công trình phục vụ xe buýt, tổ chức làn đường ưu tiên và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho các phương tiện xe buýt Thủ đô.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, Thành phố cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá dịch vụ làm cơ sở lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng sẽ giúp quản lý và điều hành hiệu quả hơn. Cũng trong khuôn khổ đề án, hệ thống giao thông thông minh giai đoạn 1 sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ việc điều phối giao thông và nâng cao trải nghiệm cho hành khách.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao các Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo Đề án đạt hiệu quả.

Phương Cúc
Bài viết cùng chủ đề: UBND Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ: Kết nối giáo dục, y tế

Cần Thơ hợp nhất: Cơ hội bứt phá cho ngành chế biến nông sản

Lai Châu: Khai mạc kỳ họp chuyên đề xem xét nhiều nội dung quan trọng

Quảng Bình: Phát triển khu công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm

Cựu binh Đà Nẵng hiến đất mở đường, góp xây quê hương

Cần Thơ ‘chuyển mình’ với xu hướng thanh toán không tiền mặt

Lắng nghe người dân, Quảng Nam lấy ý kiến lại về tên gọi xã, phường

Long trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bình Thuận

Thái Bình: Chi tiết tên gọi dự kiến 65 xã, phường mới sau sắp xếp

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Sau sắp xếp, tỉnh Thái Bình dự kiến sẽ có 65 xã, phường

Cà Mau khởi công, khánh thành 3 dự án gần 6.400 tỷ

Thanh Hóa sẽ có 7 phường với tên gọi Hạc Thành 1-4, Đông Sơn 1-3

Lịch cúp điện Tiền Giang từ ngày 20-22/4/2025 mới nhất

Điện Biên tri ân những người làm nên mùa Xuân đại thắng

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Điện Biên: Khởi công khu tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Cường

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm

Vĩnh Phúc: Khởi công dự án nhà ở xã hội Kira Home

Hợp long cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre