Tỉnh Nghệ An gắn trách nhiệm người đứng đầu với giải ngân vốn đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,22%, trong đó, có 20 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân và có hơn 208 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao vốn.
Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, tính đến ngày 20/6, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia kế hoạch năm 2023 còn hơn 155 tỷ đồng, năm 2022 còn hơn 53 tỷ đồng chưa được giao vốn. Trong đó, có 9 dự án chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục của 4 chủ đầu tư: Kỳ Sơn (4 dự án); Tương Dương (2 dự án); Nghĩa Đàn (1 dự án) và Sở Văn hóa và Thể thao (2 dự án).
Nguồn vốn nước ngoài mới giải ngân hơn 40,6 tỷ đồng, đạt 13,75%; nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân hơn 69 tỷ đồng, đạt 9,24%; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân gần 226,5 tỷ đồng, đạt 19,18%.
Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) mới chỉ giải ngân được 1,49%/kế hoạch vốn của năm 2023 là 165 tỷ đồng. Ảnh: PB |
Đáng nói, có nhiều đơn vị chủ đầu tư có số vốn lớn nhưng chưa giải ngân, như: Sở Du lịch, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ, Trường cao đẳng Việt - Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh...
Nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công chậm là do tác động từ giá cả nguyên nhiên vật liệu; quy trình thủ tục triển khai dự án mới mất nhiều thời gian; vướng mắc giải phóng mặt bằng; văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời; chậm hoàn thiện hồ sơ thủ tục là do một số dự án có quy mô lớn, quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp, trải qua nhiều bước, nên mất nhiều thời gian; một số dự án phải trình các bộ, ngành trung ương thẩm định hồ sơ dự án trước khi phê duyệt; một số dự án vướng quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh...
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... một số dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất khó để thực hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang lý giải.
Để tìm ra được ‘bệnh’ cho tăng trưởng kinh tế ở Nghệ An, cũng đã có nhiều ‘đơn thuốc’ được đưa ra, tuy nhiên vấn đề chọn lựa và sử dụng thế nào. Một trong những ‘vị thuốc’ chính trong ‘đơn thuốc’ này chính là thúc đẩy nhanh đầu tư công và gỡ vướng nhanh các dự án đầu tư.
Thời gian qua có những vấn đề cấp bách nhưng thủ tục lại lòng vòng; do vướng giải phóng mặt bằng; một số dự án chuyển tiếp đang thực hiện các thủ tục; quy trình, thủ tục dự án ODA phức tạp, kéo dài; chưa hoàn thành các bước thủ tục đầu tư. Chẳng hạn, tính theo dự án, có đến 105/164 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh Nghệ An, trong đó có 69 dự án chưa giải ngân với kế hoạch vốn là hơn 1.107 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quan sát dù đánh giá cao các động thái họp gỡ vướng nhưng nhìn nhận "chuyển biến tháo gỡ còn chậm".
Tại phiên họp UBND tỉnh Nghệ An thường kỳ tháng 6 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã đưa ra “tối hậu thư”, "Đối với các dự án đến nay chưa hoàn thành thủ tục để giao vốn thì Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát năng lực thực hiện của các chủ đầu tư, tham mưu giải pháp xử lý kịp thời, nếu không thực hiện được thì chuyển chủ đầu tư hoặc dừng dự án".
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu cụ thể các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là những đơn vị có kết quả giải ngân thấp và chưa giải ngân cần tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, các đơn vị phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh và các ngành để được chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết.
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng. Việc này cần phải nhìn rõ và chỉ rõ để khắc phục một cách nghiêm túc đối với các cán bộ thừa hành và điều hành trực tiếp.
Trong phát biểu mới đây, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An - ông Thái Thanh Quý cho rằng, một trong những tồn tại, vướng mắc lớn dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đó là chất lượng chủ đầu tư còn thấp, đặc biệt là ở Ban quản lý dự án cấp huyện.
Trên cơ sở đó, ông Thái Thanh Quý đề nghị cần phải có giải pháp mạnh, như đánh giá lại công tác cán bộ. Cụ thể là ở nơi nào việc giải ngân chậm diễn ra trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ thì cần yêu cầu cấp huyện thay đổi, sắp xếp lại cán bộ Ban quản lý dự án ở đó; đồng thời có thể chuyển dự án ở huyện về cho Ban quản lý dự án của tỉnh và 2 sở còn Ban quản lý dự án để thực hiện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An: Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nghệ An là 9.033,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 2.682,695 tỷ đồng, đạt 29,7%; trong đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 1.352 tỷ đồng, đạt 24,22%. |