Tín dụng đen vay dễ khó trả: Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Thời gian qua, câu chuyện của những người dân, gia đình vướng vào “tín dụng đen” lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Nó không chỉ hoành hành ở khu vực thành thị mà cả nông thôn, miền núi với nhiều hình thức đa dạng từ truyền thống đến môi trường mạng. Có những hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn vì chữa bệnh, hay cần gấp một khoản tiền “chẳng đáng là bao” nhưng vay qua “tín dụng đen” mà dẫn đến mất nhà, mất cửa.
Tại nhiều địa phương, lãi suất vay của “tín dụng đen” đã không còn tính theo chục phần trăm, hay mấy trăm phần trăm mà có những vụ việc người dân đã phải vay “tín dụng đen" với lãi suất lên đến 1.460% như trường hợp của một người dân ở huyện Bù Đăng (Bình Phước), có nơi lên đến 2.000%.
Công an Thanh Hóa triệt xóa ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn các xã vùng biển. Ảnh: TTXVN |
Mối nguy hiểm của “tín dụng đen” đối với đời sống xã hội và tình hình an ninh, trật tự địa bàn dân cư là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dù bị dính bẫy “tín dụng đen” nhưng vẫn không dám công khai để cơ quan công an giúp đỡ và đấu tranh với loại tội phạm này. Điều này lý giải tại sao hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn đất sống và đang lan tràn về vùng nông thôn, kéo theo số nạn nhân ngày càng nhiều, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Thời gian gần đây, thị trường tài chính nước ta phát triển mạnh mẽ, với nhiều kết quả vượt bậc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Lợi dụng điều này, một số hình thức cho vay tín dụng đen công nghệ cao cũng mọc như nấm sau mưa, phổ biến nhất là cho vay qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc qua trang web online; cho vay qua Zalo, Facebook… Chỉ cần vài thao tác đơn giản, ví dụ như tìm kiếm từ khóa “Vay nhanh” trên Google, là mọi người có thể thấy hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến. Chúng lập các hội nhóm trên mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Hoạt động tín dụng đen trên mạng nhưng lại gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực. Thủ đoạn này thật ra không mới, song nhiều người vẫn sập bẫy.
Từ đầu năm 2023 đến nay tín dụng đen lại tiếp tục hoành hành khi mà nhiều doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động do thiếu đơn hàng. Lợi dụng điều này, tình trạng cho vay nặng lãi xuất hiện với những chiêu trò ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, với ngôn từ rất mỹ miều như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính mọi lúc mọi nơi, cầm đồ, vay nhanh - trả gọn, thuận tiện… Hoạt động tín dụng đen biến tướng dưới nhiều hình thức, từ khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đầu tư, tới ủy thác đầu tư trái phiếu lãi suất cao.
Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và niềm tin của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Nhiều người lao động đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn "vay dễ, trả khó" này, khiến cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, an ninh trật tự tại địa phương bị xáo trộn, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Thiết nghĩ, để dẹp dịch vụ "tín dụng đen", chúng ta cần một giải pháp tổng thể, có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Thực tiễn cho thấy việc ngăn chặn và xóa sổ "tín dụng đen" là nhiệm vụ, chức năng của nhiều bộ, ngành và các địa phương, chứ không riêng ngành nào.
Để chặt “vòi bạch tuộc” tín dụng đen, ngành ngân hàng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến người dân phải tìm tới các nguồn vay với lãi suất cắt cổ đó là họ khó tiếp cận nguồn vay chính thống bởi thủ tục rườm rà, thời gian xét duyệt mất thời gian. Chưa kể, với nhiều quy định chặt chẽ, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện vay tiền ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn sẵn sàng, với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào.
Một giải pháp khác, cũng quan trọng không kém, đó là nâng cao nhận thức của người dân trước hiểm họa tín dụng đen. Người dân hãy đề cao cảnh giác khi được mời chào vay tiền một cách quá dễ dàng, thủ tục đơn giản nhanh gọn. Và một khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, từ ngành công an, ngân hàng, cho tới người dân, chắc chắn hoạt động động tín dụng đen sẽ không còn đất sống.
Trước vấn nạn “tín dụng đen” ngày 28/8/2023 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg nhằm tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Công điện nêu: Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"... Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thứ nhất, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2023 và Công văn số 1201/VPCP-NC ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân...; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen". Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động "tín dụng đen". Thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM "rác" không để các đối tượng lợi dụng hoạt động "tín dụng đen". Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của "tín dụng đen".. Thứ tư, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến "tín dụng đen" để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, ban hành, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động..; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động "tín dụng đen". Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động nắm chắc tình hình hoạt động "tín dụng đen" liên quan đến công nhân, người lao động, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của "tín dụng đen".. cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; ngăn ngừa, giám sát, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng các hoạt động "tín dụng đen" có liên quan đến công nhân, người lao động để xử lý theo quy định pháp luật. |