Thủy điện Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại và Tương lai - Kỳ 1: Vai trò và sứ mệnh
Thủy điện hiện vẫn là một trong ba nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia |
Từ sự khởi đầu
Nếu loại bỏ những thủy điện siêu nhỏ của người Pháp xây dựng thời kỳ trước khi đất nước giành độc lập thì Bàn Thạch chính là thủy điện đầu tiên của Việt Nam được xây dựng năm 1957 và đưa vào hoạt động năm 1961 với sự giúp đỡ của Liên Xô. Nhưng 5 năm sau đó, Bàn Thạch đã ngừng hoạt động bởi bom đạn của máy bay Mỹ.
Dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng thủy điện Bàn Thạch đã đóng góp quan trọng trong việc cung cấp điện cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Không những thế, đây còn là nơi đào tạo kiến thức thủy điện cho những kỹ sư Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực Dương Quốc Chính, nguồn năng lượng từ thủy điện Bàn Thạch đã đến được các xí nghiệp gang thép và xay xát lúa trên địa bàn. Cũng nhờ nguồn nước từ thủy điện này, 20.000 ha đất lúa đã cho thu hoạch 2 vụ lúa một năm.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miềnNamthống nhất đất nước, năm 1964, với sự giúp đỡ của Liên Xô, công trình thủy điện Thác Bà (108 MW) đã được xây dựng ở Yên Bái. Khi đi vào hoạt động sau năm 1971, nhà máy đã cung cấp sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm, đồng thời góp phần giảm cắt lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy, đồng bằng Trung du Bắc bộ. Cùng với các nhà máy nhiệt điện khác, sản lượng điện phát ra của thủy điện Thác Bà trong thời kỳ chiến tranh và sau khi hoà bình lập lại chiếm 70% sản lượng điện của hệ thống điện miền Bắc, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng CNXH của miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cho đến nay, lần lượt các nhà máy thủy điện lớn và nhỏ ở vùng Tây Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Nam Trung bộ như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Đa Nhim, Trị An, Yaly, sông Tranh lần lượt ra đời với khoảng trên dưới 40% sản lượng điện hàng năm, đã góp phần giữ an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, các nhà máy thủy điện đã giúp chúng ta vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn về kinh tế trong các thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện trên cả nước có 306 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 15.474 MW đang vận hành phát điện; 193 dự án (5.662 MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án 3.006 MW đang nghiên cứu đầu tư.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) đạt khoảng 21.600 MW; khoảng 24.600 MW vào năm 2025 và 27.800 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5% - 20,5% và 15,5%.
Trong quá trình hình thành và phát triển gần 60 năm qua, các thủy điện ở Việt Nam đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình và là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại và cả tương lai gần, thủy điện vẫn là một trong ba nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia.
Đến những đóng góp to lớn
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - trên thế giới, không nơi nào có nguồn thủy năng mà con người không tận dụng vì đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và được ưu tiên phát triển, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng điện từ than, dầu mỏ… đang dần cạn kiệt. Thủy điện chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng điện của thế giới và chiếm tới 95% tổng sản lượng năng lượng tái tạo.
Ở các tỉnh thuộc Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, sản xuất điện đóng góp trên 30-40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như thủy điện Hòa Bìnhđã nộp ngân sách đạt 900 - 1.200 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình; thủy điện Sơn La đóng góp cho ngân sách địa phương trên 1.000 tỷ đồng; thủy điện Lai Châu, chỉ tính riêng năm 2016, đã đóng góp đạt 474,352 tỷ đồng, nộp quỹ dịch vụ môi trường rừng 184,75 tỷ đồng. Tương tự, các thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở khu vực miền Trung cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng đến gần 1.000 tỷ cho ngân sách địa phương.
Báo cáo của EVN cũng cho biết, chỉ riêng 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã cấp hàng tỷ m3 nước phục vụ tưới cho hơn 600.000 ha đất nông nghiệp của đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Các hồ thủy điện của EVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên như Đa Nhim, Ialy, sông Tranh, sông Bung, Đồng Nai ... cũng điều tiết hàng tỷ m3 nước cho sản xuất lúa, hoa màu, cây công nghiệp cà phê, cacao..., gần đây là việc chống hạn, đẩy mặn cho khu vực hạ lưu.
Một lợi ích khác mà thủy điện mang lại là bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Lượng khí nhà kính mà thủy điện thải ra nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tua- bin khí chu trình hỗn hợp và nhỏ hơn 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiềm năng thủy năng thực tế còn lại được sử dụng thay cho các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hoá thạch thì hằng năm có thể tránh được 7 tỷ tấn khí thải.
Kỳ 2: Nhìn thẳng vào sự thật