Thực hành ESG: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp dệt may?
Đã có những doanh nghiệp tiên phong
Thời gian gần đây EGS (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) trong các ngành sản xuất, xuất khẩu được nhắc tới nhiều, nhất là ngành dệt may. Bởi lẽ, cùng với các cam kết ngày một mạnh mẽ của Chính phủ về phát thải khí nhà kính và yêu cầu về yếu tố xanh, bền vững trong các mặt hàng nhập khẩu ngày một cao, buộc các doanh nghiệp trong nước phải có động thái phù hợp.
Là một ngành có tới 80% sản lượng sản xuất dành cho xuất khẩu, việc đáp ứng các tiêu chuẩn ESG hay phát triển bền vững không còn là điều xa lạ. Đã có những doanh nghiệp tiên phong thực hiện và thu về quả ngọt.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công (TCM), theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT TCM, doanh nghiệp đã chuyển đổi ESG từ lâu. Công ty đã nghiên cứu bộ tiêu chuẩn ESG và tích hợp trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Với lợi thế có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm - may, nhiều năm qua, TCM đã mạnh tay đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm dựa trên thị hiếu tiêu dùng “xanh”. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng dòng nguyên liệu xanh, tái chế để đa dạng hóa sản phẩm.
Thực hành ESG: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp dệt may? Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số thông qua hệ thống ERP thế hệ mới ứng dụng trong tất cả các khâu của hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng hiệu suất, kiểm soát chi phí, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng, kiểm soát hàng tồn kho, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Công ty cũng cơ cấu lại bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn, tăng cường hoạt động quản trị rủi ro, kiểm soát chi phí.
Với kết quả đó, TCM luôn đứng trong top doanh nghiệp có sức tăng trưởng cao. Quý đầu tiên của năm 2024 TCM ước đạt doanh thu 39 triệu USD, tương đương khoảng 967 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt 2,5 triệu USD, tương đương 62 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.
Hay tại sự kiện gần đây liên quan đến ESG, Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) điểm tên Công ty May Hồ Gươm như một điển hình thực hiện ESG.
Công ty May Hồ Gươm đã rất nỗ lực tìm hiểu bộ tiêu chuẩn LEED (Giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ - một trong những bộ tiêu chuẩn về môi trường bền vững của quốc tế). Doanh nghiệp cực kỳ vất vả để được các nhà đánh giá quốc tế thừa nhận và vất vả hơn nữa để duy trì.
“Nhưng khi có sự chuyển đổi tư duy của chủ doanh nghiệp cộng với kỹ năng, văn hoá làm việc trong doanh nghiệp về việc tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn, trong bối cảnh khó khăn, May Hồ Gươm không thiếu đơn hàng. Năm 2023, toàn ngành dệt may tăng trưởng âm nhưng May Hồ Gươm vẫn tăng trưởng dương”, bà Thuỷ thông tin.
Nhìn nhận về ESG ở mức độ ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ đối tác, khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điều kiện phải chuyển đổi lên chuẩn mực bền vững trong đáp ứng điều kiện môi trường, năng lượng sạch, lao động…
Trong đó, tại EU, những chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững được cập nhật liên tục. Hay tại Mỹ, theo con số được Nielsen công bố, 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững.
Làm sao để vượt qua thách thức tài chính?
ESG dưới nỗ lực cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, tổ chức phi Chính phủ và VITAS, nhất là sức ép từ phía nhãn hàng đã được các doanh nghiệp dệt may biết tới. Thế nhưng, biết tới là một chuyện, bắt tay vào thực thi lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Một doanh nghiệp không muốn công khai danh tính đã chia sẻ: “Không phải doanh nghiệp dệt may nào trong bối cảnh hiện nay cũng có thể thực hiện ESG hay các tiêu chuẩn xanh khác, bởi lẽ vốn đầu tư cho các hoạt động này không hề nhỏ”.
Một mặt khác, khi đầu tư thực hành ESG chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, dẫn tới sức cạnh tranh của hàng hoá thấp hơn. Mà giá và chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố được các nhà nhập khẩu quan tâm hàng đầu.
Bà Thuỷ cũng từng cho hay, hàng hóa đắt đỏ hơn, giảm tính cạnh tranh là thách thức doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện ESG, cùng đó là rào cản kỹ thuật để gia nhập các thị trường lớn và áp lực từ các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Tuy nhiên, rào cản đáng kể nhất của doanh nghiệp là tài chính, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận tài chính khí hậu, Quỹ respons Ability Investments AG (Thụy Sĩ) đồng tình, để đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, tốn kém do vậy cần có tầm nhìn dài hạn đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng...
Theo ông Duy, những khoản đầu tư lớn như vậy doanh nghiệp không thể đi một mình, mà cần phải có hệ sinh thái. Quỹ hiện đang có xu hướng đầu tư vào chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững.
Dù các quỹ cũng như tổ chức quốc tế có mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng thì thực hành ESG ở thời điểm hiện tại vẫn khá khó khăn. Nguyên do từ thiếu khung pháp lý.
Theo kết quả khảo sát của Ban IV, tổng vốn xanh đến cuối 2023 chiếm dư nợ không quá 4%, một con số rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy dòng vốn tín dụng xanh rất quan trọng đang thiếu khung pháp lý. “Chúng ta đang thiếu khái niệm thế nào là xanh. Thậm chí doanh nghiệp cho rằng xanh nhưng ngân hàng từ chối”, bà Thủy nói.
Khi nói về tài chính xanh các chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa bao giờ dòng vốn tín dụng xanh dừng ở biên giới Việt Nam nhiều đến thế. Tuy nhiên, vấn đề còn là việc chờ đợi khung pháp lý. Dù vậy, doanh nghiệp không nên chờ đến khi pháp lý đầy đủ, mà cần có sự chuẩn bị, thậm chí đi trước một bước để chuyển đổi.
Bản thân các quỹ và tổ chức nước ngoài như Quỹ respons Ability Investments AG khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp những gói hỗ trợ kỹ thuật và khoản viện trợ đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết phải có một khung chính sách phù hợp.