Thứ bảy 21/12/2024 01:28

Thừa Thiên Huế: Bao giờ hết nỗi lo tàu hoả trật bánh

Trong khoảng 2 tháng, tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế tàu hoả bị trật bánh tới 6 lần, điều này gây không ít lo lắng cho người dân, du khách.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian 2 tháng, từ ngày 28/7 đến ngày 28/9/2024, tuyến đường sắt đoạn qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 6 vụ tàu hỏa trật bánh.

Cụ thể, ngày 28/7, tàu SE11 máy 976 kéo 12 toa xe trên đường từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh khi di chuyển qua khu vực ga Lăng Cô thì bị trật bánh 2 toa 11725, 31591 nằm vị trí thứ 10,11 trong đoàn tàu, hai toa này đều bị trật bánh 4 trục. Ngày 7/8, tàu khách số hiệu SE2 chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội, khi đến vị trí km 720+950 thuộc khu gian Cầu Hai - Truồi thì toa A 31490 xảy ra sự cố trật bánh ở trục 1 và 2. Tiếp đó, ngày 31/8 tàu ký hiệu SE2 bị trật bánh tại khu vực Lăng Cô; ngày 15/9, tàu ký hiệu SE6 bị trật bánh đoạn ga Lăng Cô - Thừa Lưu; ngày 28/9 xảy ra 2 vụ tàu trật bánh tại khu vực ga Lăng Cô - Thừa Lưu. Tất cả các vụ tàu trật bánh đều có cả tàu chở khách và tàu chở hàng.

Một toa tàu bị trật bánh khi đang di chuyển chậm qua khu gian ga Thừa Lưu - Lăng Cô

Theo báo cáo của ngành đường sắt và chính quyền địa phương thì các vụ tàu trật bánh đều không gây thiệt hại về người, tuy nhiên làm tuyến đường sắt Bắc – Nam tê liệt tạm thời, hành khách đi tàu lo lắng và các lực lượng chức năng huy động nhân lực, vật lực khắc phục sự cố một cách nhanh nhất để không làm ảnh hưởng quá trình di chuyển của người đi tàu.

Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế cho biết, tuyến đường sắt qua địa bàn huyện Phú Lộc có địa hình đồi núi, đường cong lớn, hệ thống tang ghi hiện nay đã xuống cấp. Để khắc phục các sự cố, trước mắt trong thời gian chưa thể đầu tư, các đơn vị quản lý đường sắt qua địa bàn Phú Lộc tổ chức kiểm tra, rà soát, khắc phục tồn tại, bất cập. Về lâu dài cần có kế hoạch đề xuất đầu tư triển khai sửa chữa tang ghi tại ga Lăng Cô và các ga đường sắt ray nhỏ để khai thác chạy tàu; cải tạo hạ tầng đường sắt, các đường cong bán kính nhỏ; thay ray, tà vẹt, các ghi cũ, lạc hậu có yếu tố kỹ thuật vi phạm quy trình tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bố trí chạy tàu với tốc độ phù hợp qua các quãng đường xung yếu; đề xuất đầu tư sửa chữa nâng cấp các toa xe đường sắt đưa vào khai thác, vận hành đảm bảo an toàn.

Ngày 2/10 Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả kiểm tra hiện trường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt qua địa bàn huyện Phú Lộc. Báo cáo nêu rõ, thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố trật bánh đoàn tàu có tính lập lại và thuộc khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Do đó, chắc chắn phải có nguyên nhân cụ thể dẫn đến các sự cố trên. Tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng là cảnh báo không thể xem nhẹ vì chưa biết hậu quả tiếp theo sẽ như thế nào nếu sự cố tiếp tục xảy ra. Ban An toàn giao thông đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam quan tâm, xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết sớm các vấn đề nêu trên nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Nỗ lực khắc phục sự cố trật bánh ra của ngành đường sắt trong đêm

Về nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ trật bánh tàu hoả, đơn vị quản lý đoạn tuyến đường sắt Quảng Trị - Thừa Thiên Huế giải thích là do vấn đề hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, đây chỉ là xác định nguyên nhân bước đầu và mang tính chất chung chung. Bởi, một câu hỏi đặt ra là, sao lâu nay tình trạng trật ray tàu ít xảy ra thì giờ lại xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn. Việc sự cố trật ray tàu 1-2 lần có thể do sai sót về kỹ thuật, đằng này trong vòng 60 ngày xảy ra đến 6 vụ liên tiếp thì cần phải có một đánh giá, nghiên cứu khoa học để tìm ra nguyên nhân chính thức về tàu trật đường ray nhiều lần trên một cung đường.

Nên nhớ rằng, các vụ trật bánh ray tàu xảy ra khi tốc độ tàu chạy không quá nhanh và 2 trong số 6 vụ trật bánh xảy ra ngay tại khu vực đường ray ở ga Lăng Cô với tốc độ chạy tàu rất chậm.

Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân cụ thể để khắc phục, sửa chữa đảm bảo cung đường an toàn, thông suốt là vấn đề cấp thiết, là mong mỏi của Nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và hành khách đi tàu nói chung.

Năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Đây là sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thế, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, việc đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đi qua địa bàn là đòi hỏi cần thiết, bởi ngành du lịch Thừa Thiên Huế hàng năm đón lượng khách đi qua đường tàu hoả tương đối lớn.

Một diễn biến khác, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về khắc phục sự cố trật bánh tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn chạy tàu. Đồng thời thực hiện công tác bảo trì, để duy trì trạng thái kỹ thuật công trình đường sắt được hoạt động bình thường, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu…

Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trường hợp tiếp tục xảy ra sự cố trật bánh tại khu vực đường sắt đi qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước đó, tháng 3/2005, tại khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn tàu hoả đặc biệt nghiêm trọng, làm 12 người tử vong, khoảng 100 người thương.

Nguyên nhân xảy ra các vụ việc có thể khác nhau, tuy nhiên nhắc lại để thấy rằng khi tai nạn xảy ra thì hậu quả sẽ khôn lường và tính mạng con người là trên hết.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: Thừa Thiên Huế

Tin cùng chuyên mục

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Quyết định ‘hợp lòng dân’

Đánh thuế bất động sản: Triệt nạn đầu cơ nhưng cần hài hòa lợi ích

'Cáo mượn oai hùm' để lừa đảo tài chính qua mạng

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Hóa giải thách thức trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Từ vụ bắt giữ hơn 200.000 lon nước giải khát: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu

Vụ ‘thao túng’ đấu giá đất ở Sóc Sơn: Xử lý nghiêm minh, đưa niềm tin trở lại