Tăng trưởng 20%, doanh nghiệp vẫn không tuyển thêm lao động
Cánh cửa việc làm đang hẹp dần
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, ông Nguyễn Minh Hiếu - cán bộ khối giáo dục thuộc Tập đoàn FPT - cho biết, mặc dù tăng trưởng hàng năm lên đến 20%, nhưng Tập đoàn FPT đã giới hạn việc tuyển thêm nhân sự, thay vào đó khuyến khích tất cả các nhân viên phải đi học thêm về trí tuệ nhân tạo (AI) để đáp ứng nhu cầu công việc.
Doanh nghiệp ngày càng có nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa |
Trước đó, chia sẻ với phóng viên, chị Dương Thị Bích – Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về chuyển đổi số - cũng cho biết, thời gian gần đây, nhu cầu chuyển đổi số tại doanh nghiệp đang rất lớn, vì thế khối lượng khách hàng tìm tư vấn các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số cũng tăng lên, trung bình hàng năm tăng từ 15-25%, tuy nhiên công ty cũng không có chủ trương tuyển thêm nhân sự, thay vào đó sẽ áp dụng các phần mềm AI để tham gia vào những công việc có thể thay thế được con người để giảm bớt nhân sự làm việc trực tiếp.
Báo cáo Lương và Thị trường lao động 2025 vừa được Navigos Group công bố mới đây cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng thêm lao động mới của các doanh nghiệp trong năm 2025 là rất hạn chế. Cụ thể, năm 2024, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp là 54,7%, tuy nhiên đến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chỉ đạt 37,36%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2024.
Báo cáo của Navigos Group cũng cho thấy, sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình tìm kiếm việc làm trong năm 2025, theo đó AI đang dần được ứng viên sử dụng để tối ưu hóa CV, tìm kiếm việc làm, tuy nhiên mới chỉ có 18,45% ứng viên đã hoặc đang sử dụng AI, trong khi 81,55% ứng viên chưa tiếp cận được công nghệ này.
Đặc biệt, AI đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực tuyển dụng, với 28% doanh nghiệp đã triển khai AI, nhằm mục đích tối ưu hóa quy trình sàng lọc hồ sơ và phân tích dữ liệu ứng viên. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi các doanh nghiệp nhận thấy rõ lợi ích của AI trong việc nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Các công nghệ tiên tiến như xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Sức nóng từ sự phát triển AI đang và sẽ tác động tích cực đến hoạt động đào tạo trong nước lẫn thị trường lao động Việt Nam. Ảnh minh họa |
Kỹ năng AI - cần thiết trong kỷ nguyên số
Theo Báo cáo xu hướng việc làm của Microsoft và LinkedIn, 2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, họ sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo thành thạo để tối ưu công việc và hiệu quả. Còn theo các chuyên gia kinh tế, AI chính là kỹ năng cần thiết, là “chìa khóa” quan trọng cho người lao động trong kỷ nguyên số.
PGS. TS Đinh Ngọc Minh - Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng, nhận thấy những giá trị mới từ AI và xu hướng ứng dụng AI là bắt buộc, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam đã sẵn sàng đầu tư nguồn lực lớn cho công nghệ này.
Ưu điểm của AI là cho phép chúng ta thực hiện những công việc trước đây chưa từng nghĩ có thể làm được ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong 5 năm tới, AI vẫn tiếp tục phát triển để giải quyết các vấn đề lớn đặt ra trên toàn cầu, trong đó có chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng sâu rộng hơn, không chỉ đảm bảo cho sự vận hành, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh mà xây dựng những mô hình doanh nghiệp sáng tạo hơn, thông minh và phát triển mang tính bền vững hơn.
Sức nóng từ sự phát triển AI đang và sẽ tác động tích cực đến hoạt động đào tạo trong nước lẫn thị trường lao động Việt Nam. Theo đó, ở một số trường đại học lớn, đội ngũ giảng viên và sinh viên ngày càng tiếp cận và cập nhật nhiều hơn kiến thức công nghệ toàn cầu.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyên Đức Tâm, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nên cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được xác định đóng vai trò then chốt.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển AI, nhờ đội ngũ lao động trẻ, yêu thích khoa học công nghệ. Cùng với đó là một hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các đối tác trên thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. |