Phấn đấu giảm 3%/năm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch số 166 của UBND tỉnh Thanh Hóa là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý trong Kế hoạch số 166, UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong vùng, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với miền xuôi; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển trong và ngoài tỉnh; cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
UBND tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 đưa mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên. Ảnh Quỳnh Trâm |
Ngoài ra, Kế hoạch số 166 của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia. Củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Từ mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 đưa mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên. Đảm bảo 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 95% trở lên hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nới có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%, học trung học cơ sở đạt 100%, học trung học phổ thông đạt 95% trở lên; 99% trở lên người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.
Kế hoạch số 166 của UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 95% trở lên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 99% trở lên phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 15%. 60% trở lên lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kế hoạch số 166 của UBND tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đảm bảo 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông |
UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% trở lên thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao; 55% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Giảm dần khoảng cách giàu nghèo
UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra từng giai đoạn để giảm dần khoảng cách thu nhập giữa các vùng miền, khu vực trên địa bàn tỉnh này. Cụ thể, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%, học trung học cơ sở đạt 100%, học trung học phổ thông đạt 100%; 100% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 100%. 70% trở lên lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa đạt 100%; 100% thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đẩy mạnh kinh tế để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc |
Kế hoạch số 166 của UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.
UBND tỉnh Thanh Hóa quyết tâm đến năm 2045, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 1/2 bình quân chung của cả nước. Cơ bản không còn hộ nghèo, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.
Sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Rà soát, đề xuất để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa là cơ quan đầu mối, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong quá trình thực hiện hiện nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện và kiến nghị các biện pháp đảm bảo kế hoạch được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Có thể nói, Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong việc phát triển toàn diện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi ở xứ Thanh.