Tháng 7/2023, mặt hàng nào đạt tăng trưởng xuất khẩu 3 con số sang thị trường Ấn Độ?
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, tháng 7/2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ đạt 1,26 tỷ USD, tăng 6,06% so với mức 1,18 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong đạt 766 triệu USD, tăng 22,8% so với mức 624 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 490 triệu USD giảm 12,5% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong tháng 7/2023 ở mức 275 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam.
Sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu 3 con số sang thị trường Ấn Độ |
Trong tháng 7/2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với 199,2 triệu USD, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chiếm 26%.
Thứ hai là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với giá trị 115,5 triệu USD, tăng 3,2% và chiếm tỷ trọng 15,1%. Thứ ba là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị 90,7 triệu USD, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhóm hàng khác có mức tăng trưởng ấn tượng như hạt điều tăng 34 lần từ mức 6.000 USD lên 11,3 triệu USD; sắt thép các loại tăng hơn 10 lần từ mức 4,6 triệu USD lên 52,6 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng gần gấp 4 lần từ 2,6 triệu USD lên 13,3 triệu USD.
Ngược lại một số nhóm hàng cho thấy sự suy giảm đáng kể như giày dép các loại giảm 63% từ 28 triệu USD xuống còn 10,2 triệu USD; Xơ sợi dệt các loại giảm 53% từ 10,8 triệu USD xuống 5 triệu USD.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 8,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với mức 8,98 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2023 ở mức 4,66 tỷ USD, giảm 1,1% so với mức 4,72 tỷ USD năm ngoái. Nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 3,64 tỷ USD, giảm 14,9%. Thặng dư thương mại 1,02 tỷ USD (tăng 130,6%).
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, số vấn đề có thể tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Ấn Độ với Việt Nam.
Trong đó, ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, có hiệu lực ngay lập tức. Lệnh cấm trên dẫn đến thiếu hụt trên 10% lượng gạo xuất khẩu thế giới xét trên tổng thế, còn nếu tính riêng gạo tẻ trắng, thì mức độ thiếu hụt sẽ còn lớn hơn. Hiện chưa có thông tin về việc Ấn Độ sớm dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Ngày 29/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 21/2023 cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB), có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11.
Ngày 19/8/2023, Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 40% đối với mặt hàng hành tây xuất khẩu (mã HS 070310) cho đến ngày 31/12 để tăng nguồn cung mặt hàng này ở trong nước. Quyết định này đưa ra trong bối cảnh chỉ số lạm phát tháng 7 (công bố ngày 14/8) tại Ấn Độ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 tháng là 7,44%.
Theo dữ liệu do Bộ các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, giá hành tây bán lẻ trung bình trên toàn Ấn Độ ở mức 30,72 Rs/kg, với mức giá tối đa là 63 Rs/kg và giá tối thiểu là 10 Rs/kg; tại Delhi, hành tây có giá 37 Rs/kg.
Hành tây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại Ấn Độ; người tiêu dùng Ấn Độ đặc biệt nhạy cảm với giá hành tây so với nhiều loại rau khác. Có thông tin cho thấy nhiều thiệt hại đối với kho hành tây dự trữ, đang bị nấm tấn công do mưa lớn và nguồn cung ít hơn trước. Quyết định tăng thuế cũng nhằm tăng khả năng cung cấp hành tây tại thị trường nội địa, đặc biệt là trước mùa lễ hội sắp tới tại Ấn Độ.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 40,8 nghìn tấn hành tây từ Ấn Độ (mã HS 070310), đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này của Ấn Độ (tổng xuất khẩu của Ấn Độ là 1,456 triệu tấn).