Thâm hụt thương mại: Chưa đáng lo ngại
Nhập khẩu chủ yếu cho sản xuất
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (NK) ước đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018; nhập siêu 548 triệu USD.
Theo lý giải của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập siêu những tháng đầu năm là do gia tăng NK máy móc. Cụ thể, do sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm kéo theo nhu cầu NK công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất cũng gia tăng theo. Riêng các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công hàng XK đã chiếm tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa NK trong 5 tháng đầu năm.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu |
Trong nhóm hàng cần NK, nhu cầu NK hàng hóa cơ bản, gồm dầu thô và than đá, tăng đột biến để cung cấp cho các dự án lọc dầu và nhiệt điện than. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh NK máy vi tính, linh kiện điện tử và máy móc các loại, lần lượt đạt 19,778 tỷ USD và 14,774 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng cao hơn so với 16,859 tỷ USD và 12,858 tỷ USD cùng kỳ năm 2018.
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, XK 5 tháng đầu năm tăng trưởng 6,7%, là mức tăng khá thấp so với kết quả của nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức tăng này cũng rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng âm trong 3 tháng đầu năm của hàng loạt quốc gia như: Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. NK các tháng đầu năm gia tăng do NK nguyên liệu sản xuất nên mức thâm hụt thương mại chưa đáng lo ngại.
Kỳ vọng những tháng cuối năm
Trong báo cáo được công bố mới đây, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có quan điểm lạc quan hơn về cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt kể từ quý III/2019. VDSC kỳ vọng giá trị XK sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong khi nhu cầu NK giảm, do tính mùa vụ và sự kiểm soát của nhà nước. Cụ thể, hai nhóm hàng, nông sản và hàng điện tử, chiếm gần 40% tổng kim ngạch XK có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn. Với nhóm hàng nông sản, XK hoa quả sang Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại khi đạt trên 450 triệu USD vào tháng 4, tăng gần 30% so với tháng 3 và cùng kỳ năm trước.
Còn với nhóm hàng điện tử, mùa vụ sản xuất của các tập đoàn lớn thường rơi vào tháng 7 và 8 gắn với sự kiện ra mắt các dòng sản phẩm mới. Quan sát diễn biến NK và sản xuất hàng điện tử, linh kiện, VDSC nhận thấy, các chỉ số sản xuất của ngành này tại các thủ phủ lớn như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng đều tăng tốt trong tháng 5, đi kèm với tăng trưởng NK hàng hóa. NK nguyên liệu cho các ngành này cũng tăng trong 5 tháng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch XK tăng cao hơn trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, cục đang đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp về tận dụng ưu đãi xuất xứ trong các FTA. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, Cục đã cấp gần 0,5 triệu bộ hồ sơ C/O tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp. Cục cũng đang triển khai, đồng thời công bố công khai trên mạng 2 đề án: Chống gian lận xuất xứ trong xuất, nhập khẩu và Xây dựng văn bản điều kiện đạt tiêu chí Made in Vietnam. Các văn bản này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh hơn cho các doanh nghiệp XK.
Tại buổi họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, nhập siêu những tháng đầu năm có lý do khách quan do gia tăng NK máy móc, thiết bị, nguyên liệu. Tuy nhiên, đây cũng là sự cảnh báo để Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đạt mức kim ngạch XK tốt hơn trong những tháng cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ đánh giá về cơ hội, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh XK trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. |