Tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Lào
Tại Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức sáng 16/10 tại tỉnh Quảng Nam, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng /chu-de/cuc-xuat-nhap-khau.topic - Bộ Công Thương đã thông tin về phương hướng phát triển thương mại biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
9 tháng 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 |
9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào đạt 1,5 tỷ USD
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu… Thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các hiệp định thương mại.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2021 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào luôn tăng trưởng tích cự. Trong đó, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Lào đạt 1,37 tỷ USD; năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 1,7 tỷ USD.
Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào qua các cửa khẩu biên giới đường bộ đạt 1,56 tỷ USD (xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ chiếm 96% tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào).
“Trong tháng 9 năm 2024, thương mại biên giới Việt Nam - Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu 491 triệu USD, nhập khẩu hơn 1 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng rất khả quan trong bối cảnh kinh tế của Lào khó khăn”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản thông tin.
Dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, vẫn còn những điểm hạn chế khiến thương mại Việt Nam - Lào chưa phát triển tương xứng, như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương luôn chú trọng làm tốt vai trò được Chính phủ giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế; chủ trì, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong tam giác phát triển; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và đánh giá tổng thể tình hình thực hiện hiệp định, Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp với Lào, trên cơ sở đó đề xuất hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới, chính sách ưu tiên đầu tư và hỗ trợ đối với một số dự án đầu tư cụ thể trong các lĩnh vực này; chủ trì phối hợp xây dựng danh mục ngành nghề, mặt hàng ưu tiên đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý…; ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan của 2 nước Việt Nam - Lào xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng thương mại và đầu tư tại khu vực biên giới.
Ngoài ra, thúc đẩy hợp tác trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho thương mại biên giới Việt Nam - Lào
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Lào phát triển, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản mới được ban hành.
Bên cạnh đó, phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào cần dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ lực của hai nước.
Xây dựng cơ chế quản lý thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới linh hoạt, hiệu quả từ trung ương đến địa phương; phân cấp hợp lý về quản lý hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới cho địa phương các tỉnh biên giới.
Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam - Lào |
Các địa phương khuyến khích định hướng doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu theo hình thức “chính ngạch”; kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa đồng thời quán triệt mục tiêu “đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động”.
Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên biên giới với nước bạn Lào để phát triển quan hệ thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới giữa hai nước, đồng thời gắn với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa của các tỉnh biên giới.
Phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào theo xu hướng văn minh, hiện đại, ngày càng tự do, thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, tiến tới thông minh hóa cơ sở và trang thiết bị sản xuất, vận hành tại cửa khẩu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng biên và luôn gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp triển khai một số giải pháp nhằm phát triển thương mại biên giới với Lào trong thời gian tới như tiếp tục đưa các nội dung về việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho thương mại biên giới, đặc biệt là các biện pháp đảm đảm bảo thông quan vào trao đổi tại các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với cơ quan chức năng, địa phương phía Lào thời gian tới; ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước….