Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong quyết định này của Trung Quốc. Theo đuổi mục tiêu nền kinh tế thị trường là mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc, vì nó sẽ cho phép nước này tránh được các vụ kiện chống bán phá giá mà họ thường gặp phải do xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang thị trường các nước phát triển. Đó cũng sẽ là một sự công nhận mang tính biểu tượng cho Trung Quốc như là một nền kinh tế trưởng thành đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, bối cảnh thương mại quốc tế thay đổi nhanh chóng đã khiến Trung Quốc đánh giá lại các ưu tiên của mình, với cuộc chiến thương mại buộc Trung Quốc phải lùi lại một bước từ cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Viện Kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, cuộc chiến thương mại đã gây khó khăn hơn cho sự vận hành của hệ thống thương mại đa phương. Hệ thống WTO sẽ vẫn còn, nhưng cải cách WTO là một quá trình lâu dài. Trường Nghiên cứu và Giáo dục WTO tại Đại học Kinh tế và kinh doanh quốc tế Thượng Hải cho rằng, việc Bắc Kinh dừng theo đuổi vụ kiện có thể được coi là một cử chỉ thiện chí để các cuộc đàm phán tiến đến chấm dứt xung đột thương mại. Ngày 14/6, Mỹ cũng đã tạm dừng một cuộc tranh chấp WTO về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, vì vậy, đây có thể là một phần của chiến lược đàm phán. Theo đó, Mỹ đã yêu cầu WTO dừng tranh chấp đối với các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong sáu tháng. Thông báo của Mỹ không đưa ra lý do cho việc tạm dừng này.
Ngày 17/6, hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO cho biết, Bắc Kinh đã yêu cầu tạm dừng các thủ tục tố tụng vào ngày 7/5. Nhưng các thông tin truyền thông từ cuối tháng 4 cho rằng, Trung Quốc sẽ thua kiện và hội đồng xét xử WTO sẽ phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc không trả lời các câu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc quyết định chấm dứt vụ kiện về quy chế nền kinh tế thị trường tại WTO. Câu chuyện bắt đầu khi các nhà vận động hành lang của Trung Quốc đã thuyết phục các nước từ Nga đến Australia công nhận nước này là nền kinh tế thị trường, thì Trung Quốc đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ và EU, mặc dù Bắc Kinh tin rằng quy chế kinh tế thị trường sẽ áp dụng tự động sau 15 năm là thành viên WTO. Trung Quốc đã đệ đơn chống lại EU (chứ không phải Mỹ) tại WTO vào tháng 12/2016 trong nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc, được thi hành không phải vì hàng hóa được bán phá giá, mà vì lý do an ninh quốc gia, khiến cho vụ kiện về quy chế nền kinh tế thị trường được tranh luận rộng rãi hơn. Mỹ tuyên bố Trung Quốc đã không tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra khi gia nhập WTO năm 2001, trong khi Trung Quốc cho rằng thuế quan của Mỹ vi phạm các quy tắc của WTO. Lập luận về việc Trung Quốc có nên được coi là nền kinh tế thị trường hay không chỉ là một trong những khác biệt giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn, bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản tại WTO. Các vấn đề khác bao gồm tình trạng “nước đang phát triển” của Trung Quốc, và vai trò của nhà nước trong việc điều hành và trợ cấp cho nền kinh tế.
Quyết định của Trung Quốc về việc không theo đuổi vụ kiện nền kinh tế thị trường có nghĩa là EU có thể tiếp tục sử dụng chi phí của nước thứ ba để tính giá công bằng cho các sản phẩm Trung Quốc thay vì lấy giá hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì điều này vẫn được duy trì như hiện nay nên các nhà phân tích cho rằng sẽ có rất ít tác động về kinh tế. Tuy nhiên, sự rút lui đột ngột của Trung Quốc cho thấy một cơn địa chấn từ một năm trước.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 28/6/2018, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết hiệp định gia nhập WTO của Trung Quốc là rất rõ ràng “giấy trắng, mực đen”, theo đó hiệp định thể hiện rằng các thành viên WTO khác sẽ không sử dụng tính toán giá cả ở nước thứ ba sau 15 năm Trung Quốc gia nhập WTO. Vào thời điểm đó, Trung Quốc tin rằng WTO sẽ đưa ra phán quyết công bằng.
Hơn nữa, tại một cuộc họp ở Geneva vào tháng 7/2018, đại sứ Trung Quốc tại WTO đã phản đối Mỹ vì đã gán cho Trung Quốc là một nền kinh tế phi thị trường, với lập luận rằng không thể tìm thấy định nghĩa về “nền kinh tế phi thị trường” ở bất kỳ đâu trong các quy tắc WTO. Cải cách WTO dự kiến sẽ tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh G20 của các nhà lãnh đạo ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6.