Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, chiều 6/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua các các Quyết định số 749/QĐ-TTg thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, giúp ứng dụng công nghệ số ngày càng phổ biến trong đời sống.
Những thay đổi tích cực từ quản lý nhà nước, cách thức vận hành doanh nghiệp đến thói quen tiêu dùng của người dân thông qua thương mại điện tử đã đánh dấu bước tiến đáng ghi nhận của chuyển đổi số và thương mại điện tử Việt Nam.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng phát triển thương mại điện tử đã vươn tới tận vùng sâu, vùng xa. |
Bà Lại Việt Anh cho biết, theo báo cáo gần đây nhất tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số tháng 07/2024, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đã đạt 20,5 tỷ USD và Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và trên thế giới.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển R&D, trí tuệ nhân tạo … Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.
“Và một thực tế rất rõ là thương mại điện tử hiện không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh, thành phố xa xôi, năng lực giao hàng của các công ty chuyển phát đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa”, bà Lại Việt Anh nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra hai phiên tọa đàm tập trung vào các chủ đề phát triển thị trường thương mại điện tử nội địa và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, các phiên thảo luận tại tọa đàm nhấn mạnh vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng của thương mại điện tử, tối ưu hóa cơ hội phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Diễn đàn Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024. |
Các đại biểu cho rằng, thương mại điện tử không chỉ là cầu nối giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước, mà còn hỗ trợ mở rộng tầm ảnh hưởng của sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế. Đối với các doanh nghiệp sản xuất địa phương, thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống hoặc địa lý. Nhờ vậy, các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, và các sản phẩm nông nghiệp địa phương được tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn, cần có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế. Các doanh nghiệp sản xuất địa phương nên chủ động tham gia các sự kiện giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cập nhật các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, các tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu, như Amazon Global Selling, OSB (đại lý ủy quyền của Alibaba.com), Ratraco Solutions, Ngân hàng BIDV, Hiệp hội Dừa Việt Nam đều nhận định rằng thương mại điện tử là kênh xuất khẩu hiệu quả, giúp giảm chi phí, mở rộng thị trường nhanh chóng và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng gặp phải những rào cản lớn như: Vấn đề logistics và chi phí vận chuyển quốc tế; các rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và hệ thống pháp lý phức tạp tại từng thị trường đích đều tạo thêm khó khăn.