Suy dinh dưỡng - Cứu lấy những đứa trẻ khi chưa quá muộn!
Những con số báo động!
Trong những chuyến công tác lên với các bản vùng cao Tây Bắc, hay những lần về với buôn làng xa xôi ở khu vực Tây Nguyên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi gặp những đứa trẻ bụng ỏng, đít tóp; những em bé 5 tuổi nhưng thấp còi như trẻ 2, 3 tuổi. Ái ngại hơn khi ghé thăm các điểm trường, nhìn cô giáo chật vật dạy đi dạy lại một phép tính đơn giản mà có những học sinh vẫn không thể thực hiện được vì chỉ số thông minh của các em quá thấp.
Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, các trường hợp trẻ em kể trên chính là nạn nhân của tình trạng SDD vốn khá phổ biến ở nhóm các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, dân tộc Mông chiếm cao nhất – khoảng 65%. Ngoài tỷ lệ tử vong cao, trẻ em SDD còn đối mặt với tương lai đói nghèo, thua thiệt khi mà sức khỏe, khả năng và năng suất lao động suy yếu rõ rệt.
Bữa ăn đạm bạc, thiếu dinh dưỡng của trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái |
Với con số đáng báo động: gần 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi (SDD mãn tính) và hơn 230.000 trẻ em dưới 5 năm tuổi bị SDD nặng cấp tính… Việt Nam hiện vẫn là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng SDD cao nhất. Thực trạng đáng buồn của trẻ SDD hôm nay, hoàn toàn có thể kéo theo những hệ lụy cho tương lai đất nước – nếu chúng ta không có được những can thiệp kịp thời và hiệu quả!
Tỷ lệ hoàn vốn cao nhưng chưa được đầu tư
Thực tế, từ năm 2009, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thành công mô hình khám, điều trị trẻ em bị SDD cấp tính nặng ở Kon Tum. Tới năm 2016, mô hình được mở rộng trên 22 tỉnh, thành phố với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác. Trong đó, chế phẩm dinh dưỡng đặc trị sử dụng cho các mô hình, chủ yếu là: F-75, F-100 và RUTF.
“Các chế phẩm dinh dưỡng đặc trị sử dụng để điều trị SDD nặng cấp tính đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi bị SDD nặng cấp tính từ 25% xuống 5%” - bà Đỗ Hồng Phương chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam cho hay.
Bệnh suy dinh dưỡng có thể điều trị được nếu có chế độ thăm khám và bổ sung dinh dưỡng hợp lý |
Bên cạnh đó, năm 2017, kết quả ước tính của Ngân hàng Thế giới về tỷ lệ hoàn vốn của độ bao phủ 90% từ gói can thiệp dinh dưỡng tại 34 quốc gia đã cho thấy, Việt Nam là 1 trong những nước có tỷ lệ hoàn vốn cao nhất. Cứ 1 đôla Mỹ mà Việt Nam đầu tư vào gói can thiệp dinh dưỡng, mức tăng trên thu nhập của người trưởng thành là 48 đôla Mỹ…
Hiệu quả thì đã thấy rõ, tuy nhiên, do tính bao phủ của các gói can thiệp dinh dưỡng chưa rộng nên đến nay mới chỉ có 10% các trường hợp SDD nặng cấp tính trên toàn quốc được điều trị – đồng nghĩa với việc có hơn 200.000 trẻ SDD nặng cấp tính hàng ngày vẫn đang phải sống chung với những mặc cảm về thể chất và trí tuệ.
Điều 84 – cơ hội giảm “gáng nặng” suy dinh dưỡng
Theo Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng, GS. TS Hoàng Văn Minh: Chi phí cho một bệnh nhân SDD nặng cấp tính không có biến chứng là: 1.247.128 đồng; bệnh nhân có biến chứng là 1.603.004 đồng. Chi phí chăm sóc và điều trị 100% cho trẻ dưới 6 tuổi tại 10 tỉnh có tỷ lệ SDD thấp còi cao nhất (>30%) chỉ chiếm 0,79% Quỹ Bảo hiểm y tế và chi phí điều trị 100% cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) chỉ chiếm 0,96% Quỹ Bảo hiểm y tế. Tính toán này cho thấy, khoản chi phí dành cho công tác dự phòng, ngăn ngừa và điều trị SDD nặng cấp tính không cao và hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế. Trong khi đó, nếu được điều trị, những đứa trẻ SDD hoàn toàn có thể có một tương lai tốt hơn, giảm suy yếu nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Đây cũng chính là một trong những cơ sở để việc bổ sung Điều 84: “Sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh và sản phẩm chuyên biệt điều trị SDD nặng cấp tính cho trẻ em từ 0 - 72 tháng tuổi” vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xác định là vô cùng cần thiết. Quá trình góp ý cho Điều 84 cũng đã nhận được sự tán đồng của rất nhiều các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý và nhiều tổ chức xã hội – chính trị…
Tuy nhiên, để Điều 84 hội tụ đủ các yếu tố cần có về mặt pháp lý, không vênh, không trùng với các luật định hiện có, đồng thời có thể thực hiện hiệu quả trong quá trình khám chữa bệnh.., các đại biểu tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho rằng: Điều 84 cần có thêm các thông tin về cơ sở thực tiễn, lý luận, khoa học khẳng định SDD cấp tính nặng là một loại bệnh và các chế phẩm điều trị F-75, F-100 và RUTF là sản phẩm điều trị chuyên biệt đã được khẳng định chất lượng trong thực tiễn sử dụng. Đồng thời, trong quá trình hoàn thiện dự thảo, cần rà soát những vấn đề liên quan đến các luật khác để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Quan tâm đến trẻ em là góp phần dựng xây tương lai đất nước |
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Nếu Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có Điều 84, được thông qua, đây sẽ thực sự là nguồn hy vọng lớn, giúp hàng trăm ngàn trẻ em SDD cấp tính trên cả nước có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí để điều trị; được phát triển, trưởng thành như hàng triệu trẻ em khỏe mạnh khác, xóa đi những mặc cảm, thiệt thòi không đáng có.
Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, xin được trích lại khuyến cáo của UNICEF: “Nếu cứ chờ đợi cho đến khi một đứa trẻ thực sự gặp nguy cơ, rồi mới bảo vệ trẻ khỏi bị SDD nặng thông qua một can thiệp đơn lẻ là chúng ta thất bại đến nơi rồi. Chúng ta cần một cách tiếp cận theo vòng đời để bảo vệ trẻ một cách đa chiều”.
“Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai” - ủng hộ những giải pháp điều trị tích cực nhằm hạn chế bệnh SDD nặng cấp tính trẻ em hôm nay, cũng chính là góp phần hoàn thiện hơn bức tranh của thế giới ngày mai!