Đây là thông tin được đưa ra tại phiên thảo luận 4 với chủ đề “Các mô hình tiêu thụ và sản xuất” trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững ngày 25/4.
Toàn cảnh phiên họp |
TS Rebecca Shaw - Phó Chủ tịch cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) - cho biết, hiện nay cứ trong 3 người sẽ có 1 người bị thừa cân, béo phì, trong 12 người sẽ có 1 người phải chịu cảnh thiếu ăn hoặc suy dinh dưỡng, dẫn đến việc tỉ lệ tử vong toàn cầu không có dấu hiệu cải thiện. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào đi đúng tiến độ trong công cuộc đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu đến năm 2025.
“Những mảnh ghép trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ thực phẩm cần được xâu chuỗi, lồng ghép giữa từng cộng đồng với nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Đó là một thách thức mang tính toàn cầu”, đại diện WWF chia sẻ.
Để đưa ra lời giải cho những mảnh ghép của hệ thống lương thực thực phẩm ở cấp độ cơ sở, TS Rebecca Shaw đã giới thiệu mô hình tư duy “Năm I”, bao gồm: Information (thông tin) - Institutions (sự phối hợp của các cơ quan) - Integration (sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và cộng đồng) - Inclusion (sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan) - Inspiration (động cơ, truyền cảm hứng để tạo động lực thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm).
“Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực đơn phù hợp để đảm bảo một nền lương thực thực phẩm bền vững”, TS Rebecca Shaw gửi thông điệp.
Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nông sản, đồng thời nhập khẩu rất nhiều loại nguyên liệu thô phục vụ chế biến, tuy nhiên vẫn gặp những thách thức về tỉ lệ suy dinh dưỡng ở vùng cao và béo phì ở thành phố. Nền nông nghiệp thâm canh của Việt Nam đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định như ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) - cho rằng, phương pháp tiếp cận hệ thống lương thực thực phẩm cần có sự tham gia của các ban ngành liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nghiệm, bền vững. Thực tế cho thấy hệ thống yêu cầu 2 yếu tố chính là kiến thức và hình thức đổi mới.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Camphuchia trong vấn đề giải quyết những khó khăn trong xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, ông Sok Silo - Tổng thư ký Hội đồng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (CARD) - Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia - cho biết, những thách thức lớn nhất được Campuchia xử lý thông qua những chính sách lớn của Nhà nước, những chiến lược cấp quốc gia cũng như chiến lược tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, Campuchia đã có những kế hoạch hành động giữa các bộ ngành để triển khai chiến lược quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Từ đó có thể tận dụng tối đa những nỗ lực để tổng hợp lương thực thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo nguồn dinh dưỡng lành mạnh cho người dân.
Để có thể giải quyết những thách thức lớn trong chuyển đổi hệ thống tiêu dùng lương thực thực phẩm hiện nay, ông Sok Silo cho rằng, các quốc gia, tổ chức cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp để tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng.
“Đặc biệt cần tập trung vào thay đổi tư duy xã hội, tăng cường hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh dinh dưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu”, đại diện Camphuchia nhấn mạnh.