Sàn thương mại điện tử: Chung tay bảo vệ người tiêu dùng
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử kéo theo tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả. Vậy, các sàn thương mại điện tử làm gì để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như người tiêu dùng?
Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng trực tuyến |
Từ đầu năm đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thể hiện qua những vụ việc được cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố liên tục phát hiện và bắt giữ. Điển hình là vụ việc bắt giữ kho hàng “khủng” bán qua livestream tại Thanh Hóa với trên 12.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng cuối tháng 4/2022. Tháng 5/2022, tại Vĩnh Long, lực lượng chức năng tỉnh này đã kiểm tra đột xuất điểm bán hàng qua mạng xã hội Facebook và phát hiện 2.070 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm về nhãn kinh doanh. Tại Tây Ninh, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở kinh doanh 394 đơn vị mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ và 59 bộ quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu...
Ở góc độ đơn vị kinh doanh sàn thương mại điện tử, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược của Vỏ Sò - khẳng định: Các sàn phải chịu trách nhiệm nhất định trước tình trạng hàng giả, hàng nhái. Chẳng hạn, với Vỏ Sò, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, Vỏ Sò có các công cụ như eKYC, có chứng minh thư nhưng vẫn phải chụp ảnh…, xác minh thông tin từ người bán.
Tương tự, đại diện sàn Shopee cho biết, việc kinh doanh các mặt hàng giả và sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều bị nghiêm cấm trên nền tảng của Shopee. “Chúng tôi yêu cầu tất cả người bán tuân thủ các quy định của Chính phủ, cũng như các chính sách đăng bán của Shopee. Chúng tôi cũng tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. Bên cạnh đó, cung cấp quy trình cần thiết để chủ sở hữu trí tuệ hợp pháp có thể yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm giả mạo. Đối với người tiêu dùng, Shopee cho phép người mua gửi yêu cầu hoàn trả sản phẩm và/hoặc hoàn tiền trước khi hết hạn” - đại diện Shopee cho biết.
Còn với Chợ Tốt, ngay từ khi duyệt tin, sàn này đã áp dụng các biện pháp công nghệ để chặn, loại bỏ các tin liên quan đến hàng nhái, lừa đảo trên hệ thống và đảm bảo môi trường mua - bán minh bạch. Thậm chí, Chợ Tốt phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (REACT) trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên cập nhật thông tin hệ thống, nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những tin sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng…
Theo dự báo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Đây là một con số đáng báo động đối với các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như người tiêu dùng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều bên để giảm bớt tình trạng này. |