Quảng Trị: Mới có 2/30 xã khó vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị, đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 69/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 68,3%), trong đó có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa). Hiện nay, tỉnh chuẩn bị thẩm định và xét công nhận cho 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị trước nhiều cơ hội thay đổi. Ảnh: baodantoc.vn |
Đối với xã kiểu mẫu, giai đoạn 2019 - 2020 tỉnh có 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của tỉnh, tuy nhiên hiện nay tỉnh cũng đã chỉ đạo 3 xã này tiếp tục hoàn thiện và xét công nhận xã nâng cao, từng bước hướng đến bộ tiêu chí kiểu mẫu theo quy định của Trung ương.
Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã đưa mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu đến cuối năm 2025 tỉnh có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, 80% số xã đạt chuẩn, 25% xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã dưới 13 tiêu chí và 40% số thôn bản ở các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Mục tiêu chương trình đặt ra tương đối cao, vì vậy UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình và nguồn lực cụ thể, trong đó tỉnh tập trung chỉ đạo năm 2023 có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
So với giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình đã xác định rõ hơn về nguồn lực thực hiện chương trình cho cả giai đoạn, cho từng địa phương cụ thể (của Trung ương và đối ứng địa phương, người dân), từ đó làm cơ sở để địa phương xây dựng mục tiêu, kế hoạch và lộ trình thực hiện.
Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình từ trung ương đến địa phương cơ bản đầy đủ, thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Việc phân định thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đã hạn chế được sự chồng chéo, trùng lắp địa bàn và tập trung giải quyết được nhiệm vụ, đối tượng yếu thế của từng loại xã.
Trung ương đã tăng cường phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện chương trình bao gồm các chủ trương, cơ chế, chính sách, phân cấp quy định một số tiêu chí nông thôn mới mang tính đặc thù, phù hợp với tình thực tiễn của từng địa phương.
Phong trào xây dựng thôn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy chương trình đi vào thực chất. Việc tập trung thực hiện 6 chuyên đề của Chương trình nhằm thúc đẩy nông thôn mới đi vào chiều sâu, phát huy được tiềm năng, lợi thế vùng miền, địa phương; giải quyết những vấn đề bức xúc, điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Chương trình đối với tỉnh Quảng Trị gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn, đặc biệt là các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện trạng tiêu chí đạt còn quá thấp so với vùng đồng bằng.
Dự kiến đến hết năm 2023 tất cả các xã vùng đồng bằng và bãi ngang, ven biển sẽ đạt chuẩn, trong khi tại các xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới có 2/30 xã đạt chuẩn.
Giai đoạn 2021-2025, theo quy định về phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương không được chồng lấn địa bàn, nội dung hỗ trợ giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia, vì vậy, phần lớn việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn chủ yếu từ nguồn lực của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, việc thực hiện các nội dung, hợp phần của 2 chương trình này rất khó để ưu tiên hay lồng ghép để thực hiện tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là mục tiêu thôn/bản đạt chuẩn và không còn xã dưới 13 tiêu chí.
Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp (xã, huyện) giai đoạn 2021-2025 được nâng lên rất cao và có một số tiêu chí còn bất cập, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thực hiện.
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình còn rất hạn chế so với mục tiêu, nhiệm vụ. Nguồn lực huy động tại chỗ ở một số xã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của nhân dân.
Là một tỉnh miền Trung với hơn 70% dân số sinh sống thuần nông tại khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Trị xác định nông nghiệp là "bệ đỡ" của nền kinh tế và xây dựng nông thôn mới là mục tiêu và định hướng nhằm xây dựng nông thôn bền vững.
Do đó, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm tổ chức hội nghị triển khai và hướng dẫn Nghị định 38/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương thuận lợi triển khai thực hiện. Xem xét trình Chính phủ thông báo nguồn sự nghiệp trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình để địa phương lập kế hoạch triển khai thực hiện.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ điều chỉnh các bộ tiêu chí mà hiện nay đang bất cập, vướng mắc, trong đó đối với chỉ tiêu số 6.4 Có Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả, hiện nay tỉnh Quảng Trị chưa thể thành lập trung tâm này đối với bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.
Đối với Bộ tiêu chí cấp xã, xã nâng cao hiện nay quá cao so với thực tế, cần có lộ trình thực hiện, vì vậy đề nghị phân cấp cho UBND tỉnh quy định chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sớm trình Chính phủ ban hành bộ tiêu chí thôn/xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023 - 2025 để các địa phương có định hướng triển khai; đồng thời, sớm triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.