Quả vải tốt cho người bệnh tiểu đường, nhưng nên ăn bao nhiêu thì đủ?
Vì sao quả vải tốt cho người bệnh tiểu đường?
Qua các nghiên cứu dinh dưỡngcho thấy, quả vải cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng quan trọng cho cơ thể. Trong 100 gram quả vải tươi chứa 16,5 gram carbohydrate, 0,83 gram protein, 0,44 gram chất béo, 1,3 gram chất xơ, 15,2 gram đường và 71,5 miligam vitamin C.
Quả vải tốt cho người bệnh tiểu đường |
Đáng chú ý, chỉ số đường huyết của quả vải thiều là 57, tải trọng đường huyết 9/100 g. Kết quả này nằm dưới chỉ số đường huyết vừa phải. Do đó, khi tiêu thụ vải có xu hướng giải phóng đường glucose từ từ và ổn định, không làm tăng lượng đường cùng một lúc.
Quả vải cũng giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu các dưỡng chất khác trong bữa ăn, hạn chế tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Đồng thời quả vải không có cholesterol xấu hoặc chất béo bão hòa; có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, phenolics và cũng có một lượng khoáng chất tốt như kali, sắt, magiê. Trong đó phải kể đến phenolics có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, chống tiểu đường và giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Mặc dù quả vải có khả năng cải thiện việc sản xuất insulin, do đó rất tốt cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường nhưng nếu ăn quá nhiều có thể làm lượng đường trong máu tăng đột biến, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tùy vào cơ địa của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra chế độ dinh dưỡng khác nhau. Qua tính toán lượng đường trung bình người bệnh tiểu đường có thể ăn vào một phần trái cây tương đương 15 gram đường mỗi ngày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi người bệnh chỉ nên ăn tối đa 6 quả vải/ngày. Khi ăn đủ 6 quả vải trong ngày thì không nên dùng trái cây khác vì làm tăng hàm lượng đường máu trong cơ thể.
Những thực phẩm nên bổ sung cho người mắc bệnh tiểu đường
Nhiều người cho rằng bị tiểu đường thì nên kiêng tuyệt đối nhóm tinh bột. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, người bệnh vẫn cần bổ sung trong bữa ăn một số loại như: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào... Còn đối với các loại củ như khoai, sắn người bệnh cần hạn chế.
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường cần bổ sung đầy đủ cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ... song lượng protein nên đạt 1 - 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tương đương 15 - 20% năng lượng khẩu phần.
Ngoài ra cũng cần bổ sung thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive... Tuy nhiên, tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không vượt quá 30%, hạn chế các axit béo bão hòa. Còn tỷ lệ năng lượng do gluxit cũng chỉ nên cung cấp từ 50 - 60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường; chọn lựa loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Gạo lức, bánh mì đen, yến mạch, các loại đậu nguyên hạt...
Đáng chú ý, người bệnh tiểu đường nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua việc chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn, không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, việc xác định được cụ thể tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường có vai trò quan trọng trong ổn định, điều trị bệnh. |