Chủ nhật 22/12/2024 18:23

Phòng vệ thương mại: Chủ động thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) được xem là công cụ, lá chắn bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tiếp tục đối diện các vụ kiện PVTM từ nước ngoài. Cục PVTM có nhận định gì về thực trạng này, thưa ông?

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Cho đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.

Công cụ PVTM đang là "lá chắn" bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của đại dịch Covid-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân. Trong khi đó, nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, đặc biệt là với các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng cường các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường trong nước. Xin ông cho biết, những hoạt động tiêu biểu, kết quả đạt được?

Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, có thể thấy, chúng ta cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

Tính đến hết quý I/2021, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Nhờ có các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước các các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Có thể thấy, các biện pháp PVTM đã mang lại những kết quả rất lớn. Trong đó, các biện pháp PVTM được nhận định là đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực liên quan. Theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính đang đóng góp khoảng gần 6% GDP của cả nước (theo GDP Việt Nam năm 2019). Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Qua theo dõi tác động của các biện pháp, Cục PVTM nhận thấy hiện tượng nhập khẩu ồ ạt những sản phẩm là đối tượng áp dụng biện pháp PVTM đã giảm đi đáng kể. Như đối với mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm. Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Đặc biệt, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Bằng chứng là trước năm 2009, khi Việt Nam không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục.

Đầu năm nay, do biến động của thị trường thế giới, giá phân bón DAP nhập khẩu có lúc lên đến trên 15.000 đồng/kg nhưng giá phân bón DAP sản xuất trong nước được bán ra trên thị trường chỉ dưới 11.000 đồng/kg. Ngoài ra, qua thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xin ông cho biết hiện công tác PVTM đang có những khó khăn nào cần được tháo gỡ?

Thực tế chúng ta đều nhận thấy, thời gian qua, các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM để phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Mặt khác, lĩnh vực PVTM đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ làm PVTM ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2020 cũng như thời gian tới, diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 khiến việc điều tra PVTM gặp không ít khó khăn.

Cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu, số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng đáng kể trong năm 2020, trong khi nguồn lực có giới hạn, tạo áp lực ngày càng lớn cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra, một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp PVTM không phù hợp đặt ra ngày càng nhiều vấn đề cần giải quyết.

Những khó khăn, hạn chế này sẽ tiếp tục được Cục PVTM phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ thông qua việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật về PVTM; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong công tác PVTM, nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước; tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng

Trước bối cảnh nhiều thách thức, thời gian tới, Cục PVTM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp như thế nào?

Do xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng.

Theo đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, Cục PVTM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực PVTM rong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới và Đề án về nâng cao năng lực phối hợp trong PVTM sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Cục tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Mặt khác, Cục cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.

Đặc biệt, trong năm 2021, Cục sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra PVTM đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang

Ngành Công Thương Việt Nam- Mãnh liệt một niềm tin!

Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Bộ Công Thương hoãn tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống

Chủ động hạn chế rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Petrolimex Thanh Hóa: Sáng ngời gương người tốt, việc tốt

Ngành Công Thương Tuyên Quang: Chung sức đưa địa phương hội nhập

Ngành Công Thương Bắc Ninh: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Dấu ấn của lực lượng quản lý thị trường trên mặt trận chống buôn lậu

Cục Hóa chất: Hoàn thiện chính sách, góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Cục Quản lý thị trường Hòa Bình: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: Tham mưu, quản lý năng lượng hiệu quả

Ngành Công Thương Cao Bằng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương

Ngành Công Thương Hòa Bình: Động lực phát triển kinh tế địa phương

EVNGENCO 3: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương

Ngành Công Thương Hải Phòng: Khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế động lực phía Bắc

Quản lý thị trường Lai Châu: Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương: Tôn vinh các tác phẩm, nhóm tác phẩm và tập thể xuất sắc