Đảm bảo ổn định thị trường
Thời gian qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn duy trì ổn định, không xảy ra biến động lớn. Đặc biệt, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường. Đại diện Cục QLTT Hòa Bình cho hay, các vụ việc vi phạm nhỏ lẻ và hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu, hàng giả giày, dép, túi xách, quần áo... Gian lận thương mại chủ yếu là không thực hiện niêm yết giá, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, gian lận thương mại, Cục QLTT Hòa Bình đã kịp thời chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của DN và quyền lợi người tiêu dùng.
Chú trọng kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng |
Nhờ đó, kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính năm 2020 của Cục đã tăng đáng kể. Cụ thể, tổng số vụ kiểm tra 2.349 vụ, tăng 17,45% so với kế hoạch năm, bằng 89,62% so với cùng kỳ năm trước, số vụ xử lý 734 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 1,7 tỷ đồng, bằng 85,63% so với cùng kỳ, đạt 103,86% so với kế hoạch năm. Số tiền thu phạt nộp ngân sách trung ương gần 1,6 tỷ đồng...
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục QLTT tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, tình trạng bán hàng online, bán hàng qua mạng đối với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn hàng hóa, hàng giả xuất hiện nhiều nhưng việc phát hiện nơi kinh doanh, kho lưu trữ hàng hóa để tiến hành kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn DN, hộ kinh doanh, phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng QLTT tỉnh kiến nghị, Tổng cục QLTT quan tâm tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, thanh tra chuyên ngành cho công chức QLTT trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa phương. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, không tham gia hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu.
Cục QLTT Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |