Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi thư chúc mừng nhân dịp 70 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương Việt Nam |
Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, mở ra trang sử vẻ vang, hào hùng của ngành Công Thương Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu cách mạng Việt Nam. Trong kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, ngành Công Thương đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Gắn liền với mốc son lịch sử phát triển đất nước và dân tộc
Chặng đường 70 năm hình thành xây dựng và phát triển của ngành Công Thương luôn gắn liền với mốc son lịch sử phát triển đất nước và dân tộc, với những dấu ấn và đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức người lao động ngành Công Thương.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương |
Ngay sau khi được thành lập, ngành Công Thương đã được tôi luyện trong gian khó để trưởng thành cùng với cả nước vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn. Thời kỳ 1945-1954, công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến được xây dựng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu chiến đấu và tiêu dùng. Với việc Chính phủ chủ trương mở lại các mỏ than, gấp rút phục hồi các nhà máy cơ khí, nhà máy giấy cả ở chiến khu… Các thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ sự gian khó trong lao động của anh chị em trong xưởng công binh chế tạo vũ khí, các nhà máy chế tạo bông băng, thuốc men cho ngành y tế, cung cấp giấy cho ngành giáo dục, ngành in phục vụ sách báo tuyên truyền.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, bị địch bao vây kinh tế, đóng góp với ngành công nghiệp non trẻ các cán bộ ngành thương mại đã lăn lộn cùng đồng bào trong các vùng để phá thế bao vây kinh tế và chia cắt của địch, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” với những hình ảnh còn nhớ mãi về các đoàn dân công hỏa tuyến “chị gánh anh thồ” vận chuyển lương thực nhu yếu phẩm cho tiền tuyến. Chính sách khuyến khích mở rộng việc buôn bán của Chính phủ đã giúp hàng hóa được lưu thông tự do trong toàn quốc nên dù hàng hóa trong thời kỳ này khan hiếm nhưng người dân vẫn có thể mua được dễ dàng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày ở các chợ. Với tất cả tấm lòng trân trọng, các thế hệ ngày nay luôn ghi nhớ công ơn và tự hào về thế hệ kháng chiến - kiến quốc của ngành Công Thương, góp phần cho sự thành công của công cuộc kháng chiến, lập lại hòa bình, cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại của mùa xuân năm 1975.
Khi cả nước bước vào giai đoạn thống nhất và tiến hành đổi mới, ngành Công Thương cũng như toàn nền kinh tế, phải đối mặt với những hậu quả do chiến tranh để lại và hệ quả của cơ chế thời chiến đã dẫn đến kinh tế phát triển trì trệ, trình độ quản lý thấp, lại bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp… Chính từ những khó khăn, thách thức này, ngành Công Thương đã có bước chuyển mình, đổi mới mạnh mẽ, đóng góp vào công cuộc đổi mới năm 1986, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà.
Ảnh tư liệu |
Công cuộc đổi mới, Nghị quyết của Đại hội VI (1986) nhấn mạnh cần tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn (Chương trình lương thực thực phẩm, Chương trình hàng tiêu dùng và Chương trình hàng xuất khẩu), tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa ở giai đoạn tiếp theo. Việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn trong giai đoạn 1986-1990 và những năm tiếp theo đã tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, ngành Công Thương cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới đạt kết quả rất khích lệ, lạm phát bị đẩy lùi, kinh tế phát triển, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội trong nhiều năm.
Ảnh tư liệu |
Những cải cách kinh tế được thực hiện trong 35 năm đổi mới đã cho thấy những chuyển biến rất cơ bản của ngành Công Thương, Ngành tiếp tục phát huy vai trò, vị trí đầu tàu, chủ chốt đối với nền kinh tế, đi đầu trong công tác hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện hại hóa đất nước, hiện nay đang đóng góp quan trọng nhất và lớn nhất vào tổng GDP và thu ngân sách nhà nước hàng năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, nổi bật ở những điểm sau:
Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao và đưa nước ta cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu với một số ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu và có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngành năng lượng đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế, hạ tầng lưới điện được đầu tư khá toàn diện, đảm bảo cơ bản độ tin cậy về cung cấp nguồn điện và góp phần đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa tới biên cương, hải đảo và cơ bản hoàn thành công tác điện khí hóa nông thôn; ngành dầu khí đáp ứng 75-80% nhu cầu về các sản phẩm xăng dầu trong nước và mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia; ngành than cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất của các ngành kinh tế quan trọng trong nước. Cả 3 lĩnh vực: Điện, dầu khí và than đều nằm trong nhóm 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Chỉ số tiếp cận điện năng đã liên tục cải thiện thứ bậc xếp hạng, đứng thứ 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Xuất khẩu đã từng bước khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của đất nước với đóng góp lớn của quá trình mở cửa hội nhập mạnh mẽ toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua với việc ký kết 15 FTA, trong đó có các FTA quan trọng như CPTPP, EVFTA…, qua đó đưa nước ta trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới; công tác kiểm soát nhập khẩu ngày càng có hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế và góp phần dịch chuyển thành công nước ta từ một quốc gia liên tục nhập siêu sang xuất siêu trong những năm cuối kỳ Kế hoạch.
Thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu; công tác kết nối cung - cầu đã được thực hiện tốt, đảm bảo tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc với sự lớn mạnh của hàng hóa Việt. Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa nền kinh tế và đang dần trở thành một động lực tăng trưởng mới của ngành.
Để triển khai các điều ước quốc tế vào cuộc sống, ngành Công Thương đã gắn kết công tác nội luật hóa các điều ước quốc tế với cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét thông qua nhiều Luật có ý nghĩa quan trọng như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Hóa chất; Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường kinh doanh. Quá trình tái cơ cấu ngành ngày càng đi vào thực chất và hướng vào lõi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác cải cách thể chế đặc biệt được chú trọng. Công tác phòng vệ thương mại được triển khai đồng bộ, toàn diện và tích cực để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, công tác theo dõi, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, quản lý thị trường, điều tiết các cân đối cung - cầu đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác tổ chức cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học - công nghệ được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện ở tất cả các khâu.
Ngày 26/4/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đại sứ Lào - Sengphet Houngboungnuang, nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng |
Với những kết quả và thành tích đạt được, ngành Công Thương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đơn vị, cá nhân trong ngành đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng khác.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Công Thương vẫn luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta đang trong năm 2021, năm khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn. Nhiệm vụ, trọng trách đặt ra trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề trong khi bối cảnh thế giới và trong nước ẩn chứa nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt là bối cảnh hậu Covid 19… cùng với nền tảng phát triển vững chắc trong những năm qua đang mở ra cho chúng ta những thời cơ để cơ cấu lại ngành, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững. Phát huy những kết quả đã được, trong giai đoạn phát triển mới, toàn ngành Công Thương cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:
Xuất khẩu từng bước khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của đất nước |
Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc thực hiện nhiệm vụ này trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập sâu rộng, thực hiện các FTA thế hệ mới…
Hai là, triển khai quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2021; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ba là, xác định thể chế, chính sách là khâu đột phá quan trọng nhất trong phát triển ngành Công Thương. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới như: Luật Công nghiệp, Luật Thương mại điện tử, Luật Phòng vệ thương mại, sửa đổi Luật Thương mại... Nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược lớn về phát triển ngành Công Thương để tạo lập các định hướng chiến lược lớn cho phát triển ngành, như: Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bốn là, lấy quy hoạch và làm tốt công tác quy hoạch làm công cụ trọng tâm để xử lý bài toán thu hút đầu tư xã hội cho phát triển ngành Công Thương. Thông qua việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả các quy hoạch phát triển, trong đó có quy hoạch vùng, thì vấn đề phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo cực tăng trưởng, liên kết vùng... sẽ được giải quyết theo đúng quy luật của thị trường. Qua đó, giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước, xử lý được những hạn chế trong mô hình điều phối mang tính hành chính đối với các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay.
Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thông qua và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đoàn công tác Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ngày 04/5/2021 |
Năm là, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí trong sản xuất công nghiệp và thương mại; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Sáu là, tận dụng tối đa lợi thế về độ mở cửa thương mại lớn để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh và thu về lợi ích cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác như: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; ưu tiên phát triển một số ngành lĩnh vực cơ khí như: Ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện.
Thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định |
Bảy là, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.
Trong đó, Việt Nam cần tập trung tận dụng các cơ hội của việc tham gia các FTA quan trọng đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP… để góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao vị thế đối với các quốc gia thành viên trước các xu hướng bảo hộ đang ngày càng diễn biến phức tạp; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn, cải cách về thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng một cách quyết liệt hơn; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Dầu khí nằm trong nhóm 10 ngành công nghiệp lớn nhất cả nước |
Tám là, đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới nhằm tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo chất lượng hàng hóa, kiểm soát và phòng, chống có hiệu quả việc lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
70 năm hình thành và phát triển, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt công tác |
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động của ngành Công Thương cần đồng lòng, nhất trí, đoàn kết, gắn bó với quyết tâm lớn và trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ được giao và phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển: (1) thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật đối với mỗi cán bộ, công chức và người lao động; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của nhà nước; (2) đẩy mạnh thực hiện chế độ phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật để phát huy tính chủ động, sáng tạo gắn liền với trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trên từng vị trí được giao; (3) tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các đối tác nước ngoài trong thực thi nhiệm vụ bởi Bộ Công Thương là Bộ đa ngành, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên rất nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; (4) đảm bảo việc tổ chức thực thi một cách đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước đối với các nhiệm vụ giao cho ngành Công Thương, trước mắt, cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mà cụ thể là những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Đại hội; (5) làm tốt công tác phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân để nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, doanh nghiệp, thực thi Chính phủ kiến tạo.