Phía sau chuyện Hoàng Văn Hưng, rượu vang và các anh hùng bàn phím
Phiên toà của vụ án “chuyến bay giải cứu” lẽ ra có thể kéo dài hơn song đã kết thúc sớm sau những lời khai đủ sắc thái “hỉ, nộ, ái, ố” của các bị cáo trong các phiên hỏi cung, tranh tụng, tự bào chữa với những diễn biến liên quan đến 53/54 bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố trước toà.
Những ngày tới đây cho tới 28/7/2023 sẽ là khoảng thời gian Hội đồng xét xử nghị án, khoảng thời gian dài có thể dài hơn bình thường song đây là điều cần thiết để Hội động xét xử không chỉ đưa ra những bản án đúng người, đúng tội mà điều quan trọng nữa là để các bị cáo phải “tâm phục, khẩu phục”.
Cái tính chất “tâm phục, khẩu phục” được nhắc đến ở đây chính là bởi liên quan đến bị cáo thứ 54- bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của vụ án “chuyến bay giải cứu”, cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng trước phiên toà |
Kết thúc phần hỏi cung, tranh tụng, tự bào bào chữa, bị cáo Hoàng Văn Hưng bị đề nghị 19 - 20 năm tù với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình hỏi cung, tranh tụng của phiên toà đã diễn ra công khai và được các cơ quan thông tấn báo chí tường thuật ở một mức độ nhất định. Việc tranh tụng này đã được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật theo hướng áp dụng tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, trong đó có bị cáo Hưng.
Tiếc rằng cùng với thời gian diễn ra các nội dung liên quan đến bị cáo Hưng, một số mạng xã hội đã nhào nặn các nội dung khai của Hưng (cùng một số bị cáo khác) để dựng lên hình ảnh bị cáo Hưng và các bị cáo này như là những “thần tượng” đầy "thần thái" trong cách thức tự bào chữa, đối đáp với Hội đồng xét xử.
Thậm chí câu chuyện 4 chai rượu vang Hưng đưa ra còn được tán dương, gắn với cảnh biếu rượu 'chống dịch' của phim 'Đấu trí' gây sốt trở lại trên mạng xã hội và người ta lại vội vàng đưa ra những nhận định vô lý...
Dù trong tố tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội được coi trọng khi phiên tòa chưa kết thúc nhưng cũng không thể nhào nặn theo kiểu đổi trắng thay đen, đánh bùn sang ao. Sự nhào nặn này hoàn toàn đi ngược lại các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm sao nhãng sự ủng hộ của dư luận với các nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
This browser does not support the video element.
Hành vi đó đáng bị lên án và cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Việc nhào nặn đó của các “anh hùng bàn phím” cố tình lờ đi rằng bị cáo Hưng đã bị các cơ quan pháp luật truy tố về những hành vi kiếm ăn giữa lúc nước sôi lửa bỏng của dịch giã COVID-19, kiếm ăn và phạm tội ngay trong quá trình được giao trọng trách làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng khác. Chưa kể đến việc hành vi của bị cáo Hưng có thể khiến cho việc làm rõ trắng đen của vụ án phức tạp hơn.
Theo quan điểm của Viện kiểm sát, bị cáo Hưng trong quá trình điều chỉ khai báo nhỏ giọt, chỉ thừa nhận những gì cơ quan điều tra đưa ra, tráo trở dựng chuyện để che giấu hành vi phạm tội.
Có thể nói, bị cáo Hưng là người am hiểu nhất về pháp luật hình sự trong số các bị cáo của vụ án này, đáng lẽ phải sử dụng năng lực, lương tâm, đạo đức để giúp sức điều tra vụ án nhưng lại dùng kiến thức để trốn tránh pháp luật, có thái độ không phù hợp, xúc phạm cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, gây áp lực với các bị cáo khác.
Và cũng chính bởi vậy những nội dung tại phiên toà liên quan đến bị cáo Hưng mang dáng dấp của một cuốn phim hình sự về một cuộc đấu trí thực sự giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với một bị cáo từng đảm nhận công việc liên quan đến bảo vệ pháp luật, rành rẽ các “ngóc ngách”, “ngón nghề”của công việc điều tra, sẵn sàng làm mọi việc để lái việc điều tra sang một hướng khác với mục tiêu tối thượng định sẵn mà ngay cả khi xuất hiện trước toà vẫn không sẵn sàng từ bỏ việc thừa nhận mục tiêu đó.
Thậm chí bị cáo còn đưa bằng chứng để xác định việc kết luận hành vi phạm tội của bị cáo cùng “cáo buộc” lời đối đáp của Viện kiểm sát trong phiên tòa “có phần xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bị cáo…”.
Bị cáo Hưng từng khai trước, trong và sau những lần gặp Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an Hà Nội) (là hai bị cáo cùng bị truy tối với Hưng), “anh Tuấn và chị Hằng không đưa tiền hoặc bất cứ lợi ích vật chất gì cho tôi; bản thân tôi cũng không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ chị Hằng, anh Tuấn hoặc bất cứ cá nhân nào liên quan đến chị Hằng, anh Tuấn".
Tuy nhiên đến khi cơ quan điều tra đưa ra hình ảnh bị cáo Hưng nhận chiếc vali trước cơ quan thì bị cáo mới thừa nhận có nhận chiếc vali mà bên trong chỉ “chứa 4 chai rượu vang” nhằm che giấu hành vi phạm tội… Trong khi trên thực tế khi nhận “4 chai rượu vang”, Hưng vừa ốm dậy và liệu có ai tặng rượu cho người ốm.
Lý do dùng rượu để mời cơm các bác sĩ điều trị mà bị cáo Hưng đưa ra có thể nói là khá khôi hài.
Đây chỉ là ví dụ tiêu biểu cho thấy sự tinh quái của bị cáo Hưng là chỉ thừa nhận (mà lại thừa nhận ngay) những tình tiết đã rõ, có tài liệu chứng minh.
Song bị cáo Hưng vẫn nhất mực cho rằng việc kết luận mình nhận 450.000 USD là oan và toà đã bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên toà đã đưa ra được các lời khai của những bị cáo- đương sự cùng hành vị với bị cáo Hưng mà các lời khai này đã chống lại lời bào chữa của bị cáo Hưng. Theo giới luật sư, ngoài những chứng cứ vật chất thì lời khai của người làm chứng mà trung thực, khách quan, có liên quan đến vụ án thì cũng được xác định là chứng cứ để chứng minh sự thật phải làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Theo quan điểm của Viện kiểm sát, bị cáo Hoàng Văn Hưng không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả do mình gây ra. Bởi vậy, cần thiết phải áp dụng khung cao nhất của hình phạt.
Một bản án khách quan với 54/54 bị cáo sẽ được toà án đưa ra trong những ngày tới. Nhưng cùng với bản án đó, còn có một bản án khác, của toà án lương tâm với các bị cáo này về những gì đáng ra phải làm cho đồng bào, đồng nghiệp, đồng đội.
Và bị cáo Hoàng Văn Hưng, chắc chắn đúng sai sẽ sớm được làm sáng tỏ, xử lý công minh!