Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế thế giới và trong nước từ đầu năm đến nay?
Có thể thấy, bức tranh kinh tế vẫn chưa thể sáng. Nguyên nhân do cầu thế giới giảm, lạm phát vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế thấp và không đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, nhà quản lý,…
Người tiêu dùng thì “thắt lưng, buộc bụng” vì lo ngại tình trạng mất việc và giảm thu nhập sẽ còn kéo dài.
Do cầu tiêu dùng trên thế giới giảm khiến các hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng giảm theo.
Xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn |
Mặt khác, các mặt hàng công nghệ, chế biến chế tạo là nguồn xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp FDI (chiếm tới trên 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu) thì lại đang rơi vào chu kỳ trầm lắng.
Một số các ngành hàng chậm đổi mới, không theo kịp các đòi hỏi của thị trường như các yêu cầu về xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải,… không đạt yêu cầu tại các quốc gia phát triển.
Do đó, chúng ta đã đánh mất các đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống. Trong bối cảnh họ đã ký đơn hàng với khách hàng khác mà hi vọng họ ký ngay lại đơn hàng với chúng ta thì đây là điều không dễ.
Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu vẫn chưa được như mong muốn. Các Bộ, ngành, hiệp hội cũng đã có sự bắt tay nhằm tìm kiếm thị trường. Nhưng rõ ràng, thị trường mới để xuất khẩu quá ít so với nhu cầu và khả năng của chúng ta.
Trước thực trạng này theo ông, giải pháp cần làm lúc này là gì?
Theo tôi, việc đầu tiên cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải tái cấu trúc kinh doanh để theo kịp các đòi hỏi của thị trường.
Theo đó, cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường nước ngoài để xuất khẩu, nhất là tại các thị trường mà chúng ta đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng các ưu đãi về thuế quan.
Đặc biệt, trong điều kiện như hiện nay, chúng ta càng cần thiết phải hỗ trợ các doanh nghiệp quay lại thị trường trong nước, nắm vững thị trường trong nước và đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh |
Hiện, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT 2%, miễn giảm các loại tiền thuê đất, giãn hoãn đóng thuế, miễn giảm 36 các loại phí và lệ phí… giá hàng hóa có thể rẻ đi, chi phí của doanh nghiệp của doanh nghiệp có thể thấp đi.
Thời điểm này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, giảm giá,… để nắm lại thị trường trong nước.
Về phía các Bộ, ngành, hiệp hội cũng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Có như vậy, cầu tiêu dùng mới được đẩy lên và chúng ta sẽ đẩy mạnh được tăng trưởng và phát triển sản xuất.
Liên quan đến vấn đề đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, từ ngày 13/9 đến ngày 15/9/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023), ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam là hoạt động hết sức quan trọng và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước đang gặp khó khăn.
Thông qua sự kiện, chúng ta có thể xâu chuỗi, kết nối các nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, tạo ra sự dịch chuyển, tạo chuỗi sản xuất tiêu thụ một cách tốt nhất và có thể mở rộng hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đây cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam có thể tiếp xúc để tìm cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ nước ngoài cũng như học hỏi kinh nghiệm của họ để làm sao phân phối được hàng hoá một cách tốt hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Ở chiều ngược lại, các bạn hàng nước ngoài có thể tìm kiếm thêm được nhiều đối tác mua hàng uy tín từ Việt Nam, cũng như thu thập được thêm nhiều thông tin hữu ích về hàng hóa Việt Nam để đa dạng nguồn hàng cho hệ thống phân phối của họ tại thị trường sở tại.
Với sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành chức năng và chính bản thân các doanh nghiệp, ông có dự báo gì về tình hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, nếu chúng ta vẫn giữ vững được đà tăng trưởng kinh tế (GDP) của tháng 5, tháng 6, tháng 7/2023 và tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xuất khẩu hàng hóa cũng như tiêu thụ tại thị trường trong nước thì tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong năm 2023 này hoàn toàn có thể đạt mức 6,3 – 6,7%; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 có thể bằng và nếu sụt giảm thì sẽ không đáng kể so với năm 2022.
Xin cám ơn ông!