Hôm nay 25/11, bắt đầu Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024) Thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đột phá mạnh mẽ |
Để giúp độc giả hiểu hơn về những thay đổi của thương mại điện tử hơn 1 thập kỷ qua, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có chia sẻ xoay quanh vấn đề này với độc giả Báo Công Thương.
Online Friday thúc đẩy sự bứt phá của thương mại điện tử Việt Nam |
Là người đồng hành, gắn bó với thương mại điện tử, chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam” (Online Friday), xin ông chia sẻ những kết quả nổi bật mà lĩnh vực này đã tác động tới nền kinh tế số Việt Nam nói chung và sự vận động của hàng Việt nói riêng?
Chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam” (Online Friday) được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay. Chương trình đã trải qua 10 năm đầu tiên và bước sang năm thứ 11. Qua thời gian thực hiện đã đạt được một số mục tiêu do Chính phủ đề ra.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) |
Trước hết, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam và bây giờ là Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia, đã xây dựng được mô hình thúc đẩy thương mại điện tử bền vững. Chúng tôi hay gọi đó là ngày hội cho những người làm thương mại điện tử. Đây cũng là dịp để những người làm thương mại điện tử, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cung cấp hạ tầng cùng ngồi lại với nhau xây dựng những kế hoạch, chiến lược phát triển thương mại điện tử; đồng thời đem đến cho người tiêu dụng cơ hội mua sắm hấp dẫn.
10 năm qua, chúng tôi đã tạo ra nền tảng kết nối các doanh nghiệp với nhau. Trong đó có việc kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị cung cấp hạ tầng, kết nối nhà bán hàng với các hệ thống sàn thương mại điện tử, tạo môi trường để doanh nghiệp từ trung ương, các thành phố lớn kết nối với hộ kinh doanh cá thể, kết nối với địa phương. Đó là hai mục tiêu lớn mà chương trình đã đạt được.
Ngoài ra, trong chương trình cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy và xây dựng được những thương hiệu Việt, sản phẩm Việt Nam. Bản chất là Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc sắc song thực tế người dân chưa chắc biết hết được các sản phẩm của người Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng chương trình trở thành điểm đến cho hàng Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, trong sự phát triển của thương mại điện tử, hàng Việt dường như chưa tận dụng được hết cơ hội, ông bình luận gì về việc này?
Nói về khái niệm cơ hội có thể hiểu theo nhiều góc độ, tuy nhiên trong mỗi thời điểm sẽ có những nhóm doanh nghiệp khác nhau tận dụng được cơ hội khác nhau. Trong hành trình phát triển của thương mại điện tử 20 năm qua, luôn có nhiều cơ hội và mỗi làn sóng thương mại điện tử có những cơ hội khác nhau.
Giai đoạn trước, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được làn sóng thương mại điện tử để phát triển. Cụ thể ở đây là nhiều doanh nghiệp Việt Nam thông qua thương mại điện tử có thể tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Ví dụ các thị trường nước ngoài thông qua môi trường mạng xã hội, qua hệ thống các mạng Network, LinkedIn…
Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đối tác khách hàng nước ngoài và họ có nhiều đơn hàng đi theo các mô hình B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), và chúng tôi cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng liên tục của thương mại điện tử Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Giai đoạn này, chúng ta bước sang giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, là thời điểm có nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam đang quan tâm tới thị trường thương mại điện tử theo mô hình B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng).
Trước đây, các doanh nghiệp họ nhắm đến B2B, có những khách hàng lớn, đối tác lớn đặt mua sản lượng lớn sau đó bắt đầu phân phối. Tuy nhiên, hiện nay là giai đoạn cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng dễ dàng hơn trước rất nhiều. Một doanh nghiệp truyền thống trước đây muốn tiếp cận khách hàng trực tiếp thì phải có hệ thống bán lẻ, tuy nhiên hiện nay với các nền tảng thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội thì một doanh nghiệp bất kỳ đều có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng mục tiêu của mình dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp sản xuất lớn của Việt Nam bây giờ đang có kế hoạch, chiến lược để tiếp cận với khách hàng.
Từ chiến lược này, trong khoảng 2 năm qua chúng tôi đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn KIDO, Thiên Long, Bitis… Nhiều doanh nghiệp có tiếng trên thị trường từ 20-30 năm trước bây giờ bắt đầu tiếp cận trên nền tảng trực tuyến với cách tiếp cận rất thời thượng, hiện đại. Đây là thời điểm mà chúng ta nhắc đến là cơ hội mới trong kỷ nguyên mới.
Tiếp nối kết quả đã đạt được trong những năm qua, sự kiện Online Friday 2024 diễn ra từ ngày 25/11 - 1/12/2024 sẽ có những điểm mới gì, thưa ông?
Đầu tiên, chúng ta có 60 giờ mua sắm rộn ràng. Trong 60 giờ này, chúng tôi có nhiều hoạt động như lễ hội voucher, rất nhiều doanh nghiệp sẽ tung ra voucher trị giá để khách hàng sử dụng trong hoạt động mua sắm của mình.
Hoạt động thứ hai, trong khuôn khổ 60 giờ mua sắm sẽ có sự đồng hành của các doanh nghiệp hàng Việt. Hàng Việt Nam đang có tiềm năng, có chất lượng tốt, chúng ta phải tạo cơ hội để hàng Việt có thể sánh vai cùng với các hàng hóa trên thế giới. Đặc biệt, tại thị trường trong nước chúng ta có một thị trường sôi động của thương mại điện tử.
Năm nay, bên cạnh sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi sẽ tạo dấu ấn để các sản phẩm của Việt Nam có nhận diện, hình ảnh để làm sao dễ tiếp cận hơn với khách hàng trong ngày mua sắm trực tuyến, tạo ra hình ảnh cho doanh nghiệp hàng Việt thấy hoàn toàn có thể sánh vai với các sản phẩm ở khắp nơi.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình cũng tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến. Đây còn là ngày hội của các nhà làm thương mại điện tử cùng ngồi lại với nhau nên chúng tôi sẽ có 1 lễ hội tổ chức tại Hà Nội, quy tụ trên 50 thương hiệu của các doanh nghiệp, gian hàng. Chúng tôi mong muốn xây dựng, kết nối và tạo ra một liên minh để bảo vệ, phát triển hàng Việt trên môi trường trực tuyến. Trong nhóm này sẽ có nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp hạ tầng như doanh nghiệp chuyển phát, tổ chức thanh toán, hệ thống sàn thương mại điện tử…, doanh nghiệp hỗ trợ cho hàng Việt lên sàn.
Chúng ta hướng đến năm 2025 kết thúc giai đoạn 2021 – 2025 của kế hoạch phát triển thương mại quốc gia và hướng đến 2026 – 2030 chúng tôi coi đây là thời điểm chính thức thúc đẩy hoạt động hỗ trợ hàng Việt trên môi trường trực tuyến.
Tôi cũng muốn nói thêm, Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa và đã được tổ chức đến nay là năm thứ 15, với thông điệp “Tự hào hàng Việt”. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều sản phẩm hàng Việt chất lượng. Chúng tôi mong muốn từ năm tới thông điệp sẽ là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến”, cùng với hashtag là #tuhaohangviet.
Để thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số, xin ông cho biết những giải pháp trong thời gian tới nhằm mở rộng hàng Việt Nam giao thương trên sàn thương mại điện tử, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững?
Tôi cho rằng giải pháp đầu tiên từ chính các doanh nghiệp hàng Việt, cần phải mạnh dạn trong việc đổi mới. Bởi chắc chắn khi lên thương mại điện tử sẽ có những cái khác với truyền thống. Như chia sẻ của Tập đoàn lớn KIOD, trong 3-4 tháng đầu tiên khi thử nghiệm rất chuyên nghiệp rồi còn cảm thấy thất vọng. Như vậy, các doanh nghiệp khác cũng không thể một lần thử nghiệm mà thành công ngay. Cho nên trong đổi mới, mở rộng sang mô hình thương mại điện tử thì doanh nghiệp phải cố gắng thử và sai, dần dần sẽ tìm ra những hướng đi đúng, vì mỗi mô hình sẽ có những hướng thích ứng khác nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta đang thúc đẩy “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vậy thì ngoài chuyện sản phẩm Việt Nam chúng tôi cũng kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam, để tạo khối thống nhất, cùng tự hào về hàng Việt Nam, thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ Việt Nam.
Ngoài ra, quay trở lại điểm gốc của hàng hóa là sản phẩm hàng Việt phải tốt. Chúng ta có thể bán được cho đối tượng khách hàng lớn, nhưng khi trải nghiệm xong họ cảm nhận được sản phẩm không tốt sẽ không mua lại. Vì vậy, sản phẩm hàng Việt vẫn phải là sản phẩm chất lượng, có giá trị.
Còn từ phía cơ quan nhà nước, đơn vị đang cấp hạ tầng, chúng tôi cũng đã có chuẩn bị những giải pháp, đầu tiên là mô hình chung. Chúng tôi đang thiết kế và xây dựng những hệ sinh thái để hỗ trợ hàng Việt phát triển. Chúng tôi sẽ tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt trên môi trường trực tuyến, đây cũng là cách để xác minh nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo sản phẩm trên môi trường trực tuyến gắn với chất lượng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng làm sao để thuận lợi, giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, tạo ra những kênh mà chúng tôi gọi là "xa lộ" để đưa hàng Việt đi quốc tế.
Xin cảm ơn ông!