
Các tụ điện chứa nhiều chất PCB
CôngThương - Do mang tính độc mãn tính và tồn tại bền vững trong môi trường nên PCB cực kỳ nguy hiểm và được xếp vào nhóm 2A có khả năng gây ung thư cho con người. PCB thường có trong dầu biến thế, dầu cách điện, dầu công nghiệp… và một số phụ gia.
Là một hợp chất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, PCB có khả năng di chuyển và phát tán xa. Các nhà khoa học đã tìm thấy PCB hiện hữu ở cả những khu vực xa nguồn phát thải, không có hoạt động công nghiệp như: Bắc Cực, Nam Cực, trầm tích của đại dương. Do vậy, khi có sự cố (nổ, rò rỉ dầu), PCB có thể được phát thải vào môi trường thông qua không khí, đất, nước, trầm tích và thông qua hô hấp, tiếp xúc qua da hay thức ăn…, con người sẽ bị phơi nhiễm PCB. Đặc biệt là khả năng tích tụ sinh học cao, được hấp thụ dễ dàng vào mô mỡ và tích tụ trong cơ thể sinh vật sống theo chuỗi thức ăn. Tại nơi làm việc, người lao động tiếp xúc với các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, hoặc các loại dầu, chất thải chứa PCB có thể bị nhiễm độc, gây ra các bệnh về da, tác động đến hệ thần kinh, gây ung thư hệ tiêu hóa và suy giảm miễn dịch.
Ông Đỗ Thanh Bái - Trưởng nhóm chuyên gia thuộc Ban quản lý dự án PCB tại Việt Nam - cho biết: “Kết quả kiểm kê PCB ngoài ngành điện, dự kiến sẽ có ít nhất 9.000 mẫu được lấy tại hơn 3.000 địa điểm khác nhau trên toàn quốc. Do sự hiểu biết còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp pha loãng dầu có chứa PCB để hàm lượng thấp hơn 50 ppm, nhằm trốn trách nhiệm quản lý mà quy định về pháp luật đưa ra. Cách làm này không thay đổi lượng phát thải PCB ra môi trường, thậm chí còn gây ra phát thải diện rộng hơn, ảnh hưởng lớn hơn đến cộng đồng”.
Chuyên gia cao cấp về PCB - Carlo Lupi: PCB chỉ gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người khi chúng ta sử dụng, lưu giữ, vận chuyển, thải bỏ không đúng quy định gây tràn, đổ, rò rỉ ra môi trường hoặc trong quá trình bảo dưỡng các thiết bị chứa PCB, làm phát thải ra môi trường. |
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng: “Do độc tính và khả năng tích lũy sinh học cao của PCB, nên các biện pháp an toàn cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt, các doanh nghiệp cần thông báo cho người lao động về những nguy cơ khi tiếp xúc với PCB. Đồng thời, lưu giữ PCB, chất thải chứa PCB trong thùng kín và dán nhãn thích hợp. Còn người lao động tránh để PCB tiếp xúc với vùng da, mắt và phải được trang bị các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, kính và giày bảo hộ”.
Ông Thanh cảnh báo, khi xảy ra rò rỉ, tràn đổ PCB phải kịp thời thông báo ngay với các cơ quan chức năng liên quan để được hỗ trợ, phải hạn chế sự lan rộng của dầu bằng cách bịt chỗ rò rỉ, ngăn tràn đổ và sử dụng các vật liệu thấm hút (mùn cưa, cát hoặc xi măng) bằng cách bơm gom vào những thùng chứa thích hợp…
Theo các nhà quản lý môi trường, để thực hiện tốt các yêu cầu trên thì trực tiếp các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, người lao động phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác hại cũng như các giải pháp phòng tránh phơi nhiễm PCB. Bài học của Trung Quốc cho thấy, do thiếu sự hiểu biết, nên nhiều doanh nghiệp đã chôn các tụ điện có chứa PCB xuống đất. Vì vậy, thay vì quản lý các thiết bị, chất thải có chứa PCB thì hiện Ngân hàng Thế giới (WB) đang hỗ trợ Trung Quốc làm sạch môi trường tại các khu vực ô nhiễm PCB do chôn lấp tụ điện.