Phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững: Giải pháp nào? |
Hội nghị được tổ chức với chủ đề “Phát triển thị trường lao động phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội thành viên, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, báo chí, chuyên gia kinh tế, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Tính đến ngày 31/12/2020 cả nước có hơn 6 triệu cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 16, bình quân tăng 1,8%/năm, tuyển và sử dụng lao động hơn 27,5 triệu người. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng qua, Bộ đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay trung ương và các địa phương đã dành gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trên 728 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP đến nay đã hỗ trợ tổng kinh phí là trên 43,7 nghìn tỷ đồng cho 381,6 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến nay, có 37 địa phương đã giải ngân hỗ trợ gần 479 tỷ đồng (bằng 7,26% tổng kinh phí dự kiến) cho gần 718.400 lao động.
(Ảnh minh hoạ) |
Về lĩnh vực lao động việc làm, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.
Từ năm 2020-2022 thi trường lao động Việt Nam bị tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, qua đó bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, những điểm yếu, hạn chế những nhân tố cần quan tâm khai thác để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong ngắn và dài hạn.
Năm 2021 do ảnh hướng của đại dịch COVID -19 nên tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42% cao hơn 1,94% so với khu vực nông thôn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá một trong những tồn tại của thị trường lao động hiện nay là các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động, chưa coi thị trường lao động là một nhân tố của mô hình tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động (khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông cho các khu công nghiệp, giải quyết trang chấp lao động và đình công, quản lý lao động nước ngoài,…).
Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Nhằm giải quyết những tồn tại trên nhằm xây dựng và phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, giải pháp trước mắt cần làm ngay là tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng, thị trường lao động Việt Nam ổn định, minh bạch, hệ thống giáo dục Việt Nam kết nối, hội nhập quốc tế đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
Cùng đó khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.
Dự kiến ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị về phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.