Chiều nay (30/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
7 tháng đầu năm 2022, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng giữa Nga – Ukraine, khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến, nhất là giá xăng dầu, ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu, phục vụ sản xuất kinh doanh và hàng tiêu dùng thiết yếu.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với các bộ, ngành để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Trong bối cảnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo, tăng trưởng kinh tế thế giới được nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo, tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng 2020 và 5,74% của 6 tháng 2021, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 7,28% của năm 2018 và 6,98% của năm 2019.
7 tháng đầu năm 2022 theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào ngày 29/7, nền kinh tế trong nước tiếp tục khởi sắc, kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,7%, đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tính chung 7 tháng năm 2022 ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 764 triệu USD. Lạm phát 7 tháng 2,54%, tức là Việt Nam vẫn trong vòng kiểm soát được, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định. An ninh lương thực đảm bảo, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất trên thế giới hiện nay.
7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa tích cực, những tháng cuối năm khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với những thách thức, 7 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước, cùng với đó áp lực đối với nền kinh tế những tháng cuối năm ngày càng gia tăng, do đó không được chủ quan.
Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện 2 chính sách quan trọng là tiền tệ, tài khoa linh hoạt, có trọng tâm, có hiệu quả, tập trung những vấn đề lớn, có tính lan toả cao như: Vấn đề đầu tư công, kiểm soát nợ công và củng cố tăng cường các thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.