Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 18%
Theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tửViệt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á.
Thông tin trên nêu trong Báo cáo "e-Economy SEA 2024" mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company. Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
So với năm 2023, ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng 18%, tốc độ nhanh thứ 3 khu vực sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%). Giai đoạn đến cuối thập kỷ, thị trường Việt Nam dự báo duy trì nhịp độ tăng trưởng hiện tại, trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD vào 2030, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực sau Indonesia.
Chiếm hơn 60% về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam năm nay, thương mại điện tử là một trong hai động lực tăng trưởng chính cùng du lịch online. Các lĩnh vực còn lại gồm gọi xe - thực phẩm, truyền thông trực tuyến.
Năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á |
Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Shein...
Thị trường thương mại điện tử chứng kiến livestream và hàng giá rẻ lên ngôi. Hình thức mua sắm kết hợp giải trí - qua video ngắn và livestream - tiếp tục phát triển. "e-Economy SEA 2024" cho biết, số lượng thương hiệu tiêu dùng tại Việt Nam có kênh video đã tăng 5% trong 2 năm qua.
Tác động bao trùm đến các thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng là sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ số mức độ quan tâm AI được Google tính toán dựa trên lượng tìm kiếm liên quan đến AI đang cao tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khảo sát của Lazada cho biết, có đến 88% người khảo sát ở Đông Nam Á nói, họ đưa ra quyết định mua hàng dựa trên nội dung và gợi ý sản phẩm do AI tạo ra.
Trong cuộc đua với các sàn, nền tảng này gần đây tung ra bộ tính năng GenAI (trí tuệ nhân tạo sinh) để thu hút khách hàng ở 4 khía cạnh khám phá sản phẩm, độ tin cậy, ưu đãi và ra quyết định.
Theo Metric, TikTok Shop tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) cao nhờ hiệu quả của kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí. Các mùa khuyến mãi lớn, nền tảng này thu hút được nhiều thương hiệu tham gia livestream tần suất cao.
Chỉ trong một ngày đôi 10/10 vừa qua, các phiên livestream của khoảng 100 tài khoản TikTok Shop hàng đầu Việt Nam đã thu hút hơn 11,7 triệu lượt xem, hơn 5,8 triệu người xem duy nhất gần 500.000 tương tác, theo thống kê của công ty tiếp thị VeenaMedia và nền tảng công nghệ Stickler.
Tỷ trọng bán hàng qua livestream trong tổng thể thương mại điện tử ngày càng lớn, phù hợp xu hướng chung Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những thị trường live commerce toàn cầu hấp dẫn nhất với tốc độ tăng trưởng dân số lớn, người tiêu dùng trẻ tinh tế và văn hóa yêu thích công nghệ.