Ngành điều đề xuất giảm mục tiêu xuất khẩu
Xuất khẩu sụt giảm ở nhiều thị trường
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 249.364 tấn hạt điều, giá trung bình 6.017,7 USD/tấn, thu về trên 1,5 tỷ USD. Kết quả này giảm hơn 9% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Ba thị trường tiêu thụ hạt điềulớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan đều ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ 76.225 tấn, tương đương 440,65 triệu USD; giảm 8,7% về lượng, giảm 4,9% về kim ngạch nhưng tăng 4,2% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 28.489 tấn, tương đương 180,89 triệu USD, giảm 27% về lượng, giảm 37,9% về kim ngạch và giảm 14,8% về giá. Thị trường Hà Lan giảm 20,5% về lượng và giảm 18,5% kim ngạch nhưng tăng 2,5% về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 26.735 tấn, tương đương 137,75 triệu USD.
Về nguyên nhân, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, hiện giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao, giá điều nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô. Thời điểm hiện tại, giá điều thô đã tăng 15 - 20% so với cùng kỳ trong khi giá điều nhân lại giảm 5%, chỉ đạt 5.792 USD/tấn. Vì vậy, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, thậm chí lỗ vốn.
Bên cạnh đó, năm 2021, Nga đứng thứ 11 trong số 104 thị trường nhập nhân điều Việt Nam với gần 62 triệu USD nhưng việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) do xung đột với Ucraina khiến xuất khẩu hạt điều vào thị trường này gặp khó khăn trong thanh toán.
Hơn nữa,lạm phát tại Mỹ, châu Âu khiến người dân e dè mua sắm cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt điều... Dự báo xuất khẩu nhân điều sẽ giảm từ nay đến hết năm 2022.
Đối mặt với nhiều khó khăn, ngành điều kiến nghị hạ mục tiêu xuất khẩu |
Khả năng chỉ xuất khẩu được 3,2 tỷ USD
Đầu năm nay , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt chỉ tiêu xuất khẩu điều đạt 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, với những khó khăn đang phải đối mặt, ngành điều kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu xuống 3,2 tỷ USD - tức là giảm 400 triệu USD so với năm 2021 và giảm 600 triệu USD so với mục tiêu của năm 2022.
Để hỗ trợ tốt hơn cho ngành điều, Phó Tổng Thư ký VINACAS Trần Hữu Hậu đề xuất, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ cập nhật và hướng dẫn thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, EU, Mỹ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng. Song song đó, phải đánh giá và quy hoạch ổn định các vùng trồng điều, đồng thời hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho xuất khẩu.
Ở góc độ tiêu thụ, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp điều tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tăng cường thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt , cần sớm đưa những cảnh báo về rủi ro thương mại doanh nghiệp có thể gặp phải.
Về phía doanh nghiệp chế biến điều cần lưu ý khâu bảo quản nguyên liệu và thành phẩm đã chế biến. Chất lượng phải là yếu tố tiên quyết khi xuất khẩu. Về lâu dài, nên tập trung đầu tư vào công nghệ cao để chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho hạt điều. Ngoài ra, đẩy mạnh vào một số thị trường trọng điểm của hạt điều, nhất là những thị trường đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do để tận dụng ưu đãi về thuế quan, góp phần giảm chi phí, tăng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Hậu nhấn mạnh, muốn tăng kim ngạch xuất khẩu, bên cạnh hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân người trồng điều, doanh nghiệp cũng phải tích cực thay đổi, đẩy mạnh liên kết với nhau tạo chuỗi giá trị ổn định.