Ngành chế biến thực phẩm: Cơ hội và thách thức đan xen
Chế biến thực phẩmluôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Theo một đánh giá được đưa ra đầu tháng 8/2022 của Tổ chức Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.
Con số trên là minh chứng rõ nét về dư địa và tiềm năng của ngành chế biến thực phẩm, giúp ngành này đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước tiếp tục mở rộng đầu tư.
Ngành chế biến thực phẩm có nhiều tiềm năng phát triển |
Gần đây một số "ông lớn" ngành thực phẩm như Kido, Masan đều có động thái đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này. Trong đó, Kido cho biết sẽ tăng tốc tiến độ hoàn thành nâng cấp Nhà máy dầu Vinh nhằm sớm phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn tại thị trường miền Bắc trước thềm Tết Nguyên đán 2023. Ngoài ra, Kido sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu ăn sang các nước trong khu vực, trước mắt là thị trường Campuchia, Lào. Còn với Masan, vào giữa tháng 7/2022 vừa qua cũng đã nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Miền Tây 2 tại Hậu Giang, ước tính dự án này có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 46ha…
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bên cạnh thuận lợi, họ đang phải đối mặt với nhiều sức ép như chuỗi cung ứng thế giới chưa vận hành như trước dịch, căng thẳng nguyên liệu đầu vào, dòng vốn thiếu hụt hoặc hàng dồn ứ tại kho… Bên cạnh đó, những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều lên doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
"Bất kỳ một công ty nào mới thành lập cũng đều có sự cạnh tranh. Với công ty chúng tôi đó là sự cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường" - bà Lê Thị Thúy Diễm - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thực phẩm Ong Nâu chia sẻ.
Ngoài thách thức trên, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ càng khắt khe hơn trong lựa chọn thực phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tự nâng "chất" hơn cho sản xuất, kiểm soát an toàn thực phẩm để không chỉ với sản phẩm xuất khẩu mà ngay tại nội địa vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để hướng đến sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cần tập trung ưu tiên cho một số chiến lược như tăng trưởng doanh thu, phát triển thị trường hiện tại, đẩy mạnh nghiên cứu và nâng chất sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung ứng (ưu tiên các nhà cung cấp trong nước); đồng thời mở rộng, phát triển các kênh phân phối trực tuyến (online) trên nền tảng thương mại điện tử.
Cũng trong năm 2022 ngành thực phẩm và đồ uống được dự báo phục hồi mạnh mẽ nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng bởi việc thích ứng an toàn với dịch bệnh thúc đẩy nhu cầu tại nội địa sẽ tăng trở lại. Đây là thời điểm được cho rằng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ đối với ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Nhất là khi hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chú trọng hơn tới các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hay những thành phần dinh dưỡng lành mạnh, tiện dụng.