Nâng “sao”, nâng giá trị cho sản phẩm OCOP
Thông tin tại cuộc họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương diễn ra mới đây cho thấy, đến nay cả nước có 9.160 sản phẩm OCOP của 4.704 chủ thể sản xuất OCOP, trong đó 1.818 HTX (chiếm 38,6%), 1.194 doanh nghiệp (25,4%), còn lại 1.563 cơ sở sản xuất (chiếm 33,2%) và các tổ hợp tác… Đặc biệt có trên 30% chủ thể OCOP là nữ giới, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Chương trình OCOP góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả du lịch nông thôn, bản sắc văn hóa địa phương cũng đang có bước khởi sắc.
Trong số các sản phẩm OCOP trên cả nước hiện nay, có 65,5% sản phẩm 3 sao và chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao.
Để nâng sao cho sản phẩm, đầu năm nay, có 8 nhóm sản phẩm tham gia cuộc đánh giá xếp hạng OCOP 5 sao quốc gia và đủ điều kiện, bao gồm: 3 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức – Hà Nội (Khăn lụa tơ tằm, Khăn lụa tơ sen, Chăn bông Tơ tằm tự dệt); sản phẩm Ống hút rau củ quả ECOS của HTX Nông nghiệp Sông Hồng – Hà Nội; bộ sản phẩm Gốm men Suối Ngọc của HTX Sản xuất kinh doanh gốm Tân Thịnh – Hà Nội; sản phẩm Tranh lá Bồ Đề của HTX Sinh Dược – Ninh Bình; sản phẩm Đèn lồng mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong – Nghệ An và Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ rá của HTX Sản xuất dịch vụ mây tre đan Bao La – Thừa Thiên Huế.
HTX mây tre đan Bao LA tiếp tục cải tạo, chỉnh trang khuôn viên cơ sở sản xuất để từng bước đưa vào khai thác dịch vụ du lịch |
Là một trong những sản phẩm được đề xuất để nâng lên mức 5 sao đợt này, theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, HTX mây tre đan Bao La hiện có bộ sản phẩm rổ rá, lồng đèn trang trí (đèn Lục giác) được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, và đã quyết định đưa bộ sản phẩm này xét đạt chứng nhận OCOP 5 sao trong năm 2023. Bên cạnh đó, bộ sản phẩm cũng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2022.
Nhờ chất lượng tốt, hiện sản phẩm rổ rá, lồng đèn trang trí của HTX đã được thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng và có nhu cầu lớn.
Ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre đan Bao La chia sẻ, thời gian tới, HTX tiếp tục cải tạo, chỉnh trang khuôn viên cơ sở sản xuất để từng bước đưa vào khai thác dịch vụ du lịch và tham quan trải nghiệm tại cơ sở. Đồng thời, hoàn thiện các mẫu mới, nhỏ gọn và tinh xảo, độc đáo phù hợp để phục vụ khách du lịch; đào tạo cán bộ và hướng dẫn viên, người lao động trong HTX cách tiếp đón khách tham quan. Tiếp tục vận động lực lượng bên ngoài vào tham gia sản xuất tại HTX; thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề để phát triển thêm nguồn nhân lực có tay nghề cao, nâng mức thu nhập cho người lao động tại HTX Mây tre đan Bao La.
Sản phẩm vải từ tơ sơn của Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã được công nhận OCOP 5 sao TP Hà Nội được nhiều năm |
Đối với sản phẩm tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề dệt từ nhiều đời. Từ thuở lên 5, lên 6 tôi đã được bố mẹ truyền dạy và chỉ bảo tận tình theo từng công đoạn nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ…”.
Sau này, khi đã lập gia đình, bà vẫn giữ nguyên tình yêu với nghề và phát triển cho đến tận bây giờ với nhiều thành công, khi các sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã đạt 5 sao cho sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.
Đến nay, nghề dệt tơ sen không chỉ xây dựng được thương hiệu cho xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình. Chất lượng tốt, độc đáo và có cho mình câu chuyện thú vị phía sau, sản phẩm tơ sen tự tin nộp hồ sơ để được nhận chứng nhận 5 sao toàn quốc.
Để hỗ trợ tối đa cho sản phẩm, tìm được các sản phẩm OCOP 5 sao xứng tầm, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ thành lập 6 tổ tư vấn cho 6 nhóm ngành nghề sản phẩm OCOP. Các tổ tư vấn bao gồm các thành viên có chuyên môn sâu ở các ngành nghề có liên quan, nhằm bảo đảm chất lượng đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, để phân cấp mạnh mẽ hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu ở cấp Trung ương chấm 5 sao, cấp tỉnh chấm 4 sao và cấp huyện chấm 3 sao.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, mặc dù hiện nay số sản phẩm OCOP 3 sao hiện chiếm nhiều nhất, khoảng 50%, số lượng sản phẩm 5 sao còn ít, song đây chỉ là bước khởi đầu. Còn sau này, chúng ta hoàn toàn có thể nâng các sản phẩm lên 5 sao hoặc lên cao nữa. Rất nhiều sản phẩm hiện nay hoàn toàn có đủ chất lượng, thương hiệu và câu chuyện văn hóa phía sau để nâng tầm 5 sao cấp quốc gia.
“Tuy nhiên, trong thương trường có câu nói thế này: “Xây dựng được trận địa đã khó, giữ được trận địa còn khó khăn hơn”. Cho nên giữ 5 sao là khó, đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, từ môi trường trồng trọt chăn nuôi, đất nước sạch, chăm bón… để đưa sản phẩm OCOP xanh hơn, tuần hoàn hơn, vươn xa hơn. Đây là yếu tố cốt lõi để sản phẩm chinh phục được người tiêu dùng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.