Thứ năm 19/12/2024 08:28

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại: Bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Trước độ mở của nền kinh tế, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả

Tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 ngành Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: Hoà Phát

Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ để đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước nhưng nếu không xử lý tốt các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, mức thuế phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao quá mức, làm giảm thị phần và thậm chí làm mất thị trường.

Vì vậy, trong công tác phòng vệ thương mại có một bộ phận quan trọng đó là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thông qua các hoạt động tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thủ tục điều tra, cách thức cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra và theo dõi sát quá trình điều tra để đảm bảo nước nhập khẩu tuân thủ đúng các yêu cầu về điều tra phòng vệ thương mại trong các cam kết quốc tế, từ đó bảo vệ được lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong 6 tháng qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với 10 vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hoá xuất khẩu và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vụ việc khởi xướng từ những năm trước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Qua đó giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hoá hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, theo định kỳ, Bộ Công Thương đã thông báo danh sách gồm 17 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gửi các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để phối hợp theo dõi.

Bộ Công Thương đánh giá, công tác cảnh báo sớm đã đem lại một số kết quả tích cực như Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn; Úc chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời, hay mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ.

"Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần không chỉ giữ vững mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu"- theo Bộ Công Thương.

Củng cố thể chế về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến thương mại, đầu tư, xuất khẩu. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trên thế giới, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới 2025.

Trước các cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Công Thương sẽ thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, trong đó sẽ thực hiện các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, về công tác phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về phòng vệ thương mại để triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tích hợp công cụ phòng vệ thương mại và các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là tính chất, tác động của các biện pháp này để có cách tiếp cận phù hợp. Cũng như tiếp tục nâng cao năng lực phòng vệ thương mại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương, giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại, gồm: Đề án 316 “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”; Đề án 824 “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; Đề án 1659 “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật phòng vệ thương mại, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thông qua tổ chức toạ đàm, hội thảo, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng, duy trì bản tin về phòng vệ thương mại, báo cáo phòng vệ thương mại…

Trước bối cảnh nhiều hàng hoá nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hoá nhập khẩu. Trong 6 tháng 2024, Bộ Công Thương đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể: Tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Mekong Connect 2024: Hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

2024: Năm thành công rực rỡ của hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Gia Lai: Tăng cơ hội tiếp cận thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

‘Kéo’ nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam để quảng bá rau, quả

Thương mại điện tử: 'Cuộc đua' tiếp tục sôi động

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Khai mạc Tuần hàng nông sản, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại Hải Phòng

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024

Hàng nghìn người 'săn' hàng hiệu giá rẻ ở thành phố Vũng Tàu

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024