Từ thực tế đói nghèo, hủ tục…
Đã nghe thông tin Nậm Nhùn là huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, nhưng đặt chân đến trung tâm huyện chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Những con đường đang thi công dở dang, ngập nắng và mù mịt bụi. Phố xá trơ trụi, hàng quán lèo tèo, thưa vắng…
Trường học các cấp được xây dựng khang trang ngay trung tâm huyện Nậm Nhùn |
Là huyện vùng cao biên giới được thành lập năm 2013, Nậm Nhùn hiện có 11 xã, thị trấn (trong đó có 3 xã biên giới) với 11 dân tộc anh em cùng sinh sống – đồng bào DTTS chiếm 96%, đông nhất là đồng bào Mông, Thái...
Hối hả với công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện, nhưng Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Nhùn – ông Lò Cương, vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Theo Bí thư Lò Cương, mặc dù Nậm Nhùn có diện tích tự nhiên khá rộng, nhưng diện tích đất canh tác lại ít, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện vẫn còn 29,38%. Đói nghèo cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các hủ tục như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bỏ học giữa chừng, sinh đông con... vẫn còn khá phổ biến ở nhiều thôn, bản của Nậm Nhùn, nhất là ở 41 thôn bản đặc biệt khó khăn.
... đến quyết tâm giảm nghèo bền vững
Từ thực tế của địa phương, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ Nậm Nhùn đã thống nhất chọn “Giảm nghèo bền vững” là vấn đề trọng điểm, thay vì giảm nghèo như trước đây. Bí thư Lò Cương cho biết: “Hiện Nậm Nhùn đã có một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị với sự kết hợp giữa doanh nghiệp và đồng bào dân tộc trong huyện. Trong đó, doanh nghiệp chủ động hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Các mô hình này, bước đầu đã cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống trước kia. Bà con cũng có cơ hội để tiếp cận với cách làm mới, chủ động, thay vì nuôi trồng kiểu tự phát và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã cho thấy, không phải mô hình nào áp dụng với đồng bào cũng mang lại hiệu quả bởi tư duy, nhận thức của đại đa số đồng bào DTTS ở Nậm Nhùn còn khá hạn chế; nhiều người còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; một số người lại không đủ khả năng để tiếp nhận những cái mới… Chính vì vậy, thay đổi tư duy là cách mà Đảng bộ và chính quyền ở Nậm Nhùn kiên trì thực hiện, với niềm tin đây sẽ là gốc rễ để làm nên những bước đổi thay cho Nậm Nhùn trong tương lai. “Chúng tôi xác định, để thay đổi tư duy thì cách hiệu quả nhất, đó là thông qua giáo dục. Đây chính là cơ sở để những năm gần đây, Nậm Nhùn dành nhiều ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học cho các trường theo hướng chuẩn hóa” – Bí thư Lò Cương nhấn mạnh.
Chúng tôi đã được mục sở thị khi tham quan những ngôi trường được xây dựng kiên cố, quy củ… ở ngay cả những thôn, bản xa xôi, nơi để các gia đình Mông, Thái, Cống, Mảng… gửi gắm niềm tin vào sự tiến bộ hàng ngày của con em mình. Được biết, so với năm 2015, Nậm Nhùn đã xây dựng được thêm 12 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia của huyện lên 15/33 - đạt tỷ lệ 45,45%. Từ “con số 0”, giáo dục Nậm Nhùn nay đã xếp thứ 4 trong toàn tỉnh Lai Châu - đây thực sự là những kết quả đáng tự hào với một huyện vùng cao biên giới còn gian khó. Từ kết quả của công tác giáo dục, có thêm cơ sở để mơ về một tương lai phát triển hơn của Nậm Nhùn – với thế hệ công dân được học hành, có tri thức và tinh thần vươn lên mạnh mẽ.