Mua bán hoá đơn giá trị gia tăng: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Công khai rao bán trên... chợ mạng
Nhiều nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện các đoạn quảng cáo mua bán hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) với các hạn mức và giá cả, phần trăm khác nhau.
Cụ thể, trên /chu-de/mang-xa-hoi-x.topicFacebook, Zalo có hàng loạt nhóm công khai mua bán hóa đơn với số thành viên lên tới vài chục nghìn người. Hội mua bán hóa đơn trên Facebook có 78.000 thành viên và 6 bài viết rao bán hoá đơn khống mỗi ngày. Nhóm mua bán hóa đơn VAT-GTGT điện tử có 17.000 thành viên.
Theo đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay, nhiều trường hợp (hộ kinh doanh nhỏ lẻ) đã "tiền mất tật mang" khi tin theo những đối tượng mua bán hoá đơn qua mạng.
Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội công khai mời chào dịch vụ mua bán hoá đơn |
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thu mua hàng phế liệu, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng… thu mua hàng hóa của người trực tiếp sản xuất nhỏ hoặc thu mua nhỏ lẻ từ các đầu mối thu gom không có hóa đơn, sau đó tìm mua hóa đơn.
Do thiếu hiểu biết về chính sách thuế, các doanh nghiệp này cho rằng, cần phải có hóa đơn mới hợp lý hóa được hàng hóa mua vào, nên họ đi tìm mua hóa đơn điện tử trên mạng xã hội, mà không biết rằng, trong những trường hợp như vậy, chỉ cần có bảng kê mua hàng hóa là được.
Đặc biệt, qua những vụ án mua bán hoá đơn điện tử bất hợp pháp bị công an điều tra, khởi tố thời gian qua tại các tỉnh, thành như: Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình…, Tổng cục Thuế nhận thấy thủ đoạn của các doanh nghiệp hết sức tinh vi, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc trục lợi, gây thất thu ngân sách...
Ở góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định của pháp luật.
Hóa đơn VAT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế VAT doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Hành vi này không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:
Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;
Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;
Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.
Như vậy, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện những hành vi mua bán hóa đơn chứng từ trên đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn chứng từ: Về xử phạt hành chính, cá nhân có hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành hoặc cho bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng, căn cứ tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 125/NĐ-CP.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) |
Ngoài trường hợp nêu trên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại Điều này, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Điều này, căn cứ theo Khoản 3 Điều này.
Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì đối với cùng hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; trốn thuế; hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế.
Về xử lý hình sự, cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì có thể bị xử lý về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, trường hợp cá nhân phạm tội thì có thể phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, và có thể lên đến 1.000.000.000 đồng nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e và g Khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Nhiều vụ mua bán hoá đơn đã bị lực lượng chức năng triệt phá |
Phải xử lý nghiêm hành vi trốn thuế
Đối với hành vi trốn thuế: Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị xử lý hành chính và hình sự nếu có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Cụ thể, theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, hành vi “Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa…” được coi là hành vi trốn thuế.
Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, người có hành vi trốn thuế sẽ bị phạt tiền cao nhất là 3 lần số tiền thuế trốn tùy theo mức độ và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Người có hành vi trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, cá nhân thực hiện một trong các hành vi tại Khoản 1 Điều 200 trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt tiền từ 100.000.000 đồng - 4.500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù thấp nhất 03 tháng, cao nhất lên đến 07 năm.
Ngoài ra, người này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn thấp nhất từ 06 tháng đến 03 năm, nặng nhất là đình hoạt động vĩnh viễn theo Khoản 5 Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Luật sư Tiền khuyến cáo, nhằm ngăn chặn hành vi này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, đảm bảo tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.
Tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.
Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng bản chất của thuế GTGT, vì nhiều chủ doanh nghiệp vẫn lầm trưởng thuế GTGT là trách nhiệm của doanh nghiệp phải nộp.
Trong khi đó, thuế GTGT là thuế của người tiêu dùng/doanh nghiệp mua nộp ngân sách thông qua doanh nghiệp bán và thể hiện trên hóa đơn tài chính của doanh nghiệp bán. Thuế thu nhập doanh nghiệp mới là thuế thực sự của doanh nghiệp cần được đảm bảo bằng hệ thống hóa đơn, chứng từ, hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoàn chỉnh, chặt chẽ, logic, phù hợp và luôn phải đảm bảo “có thể giải trình” nếu bạn muốn an toàn và tối ưu.