Maily Style, "40 tấn mỹ phẩm trong trại gà": Lòng tham tàn nhẫn!
Nguyễn Hoàng Mai Ly (SN 1995), được biết đến là chủ kho hàng kinh doanh trên nhiều nền tảng từ Tiktok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailystyle.com.
Nhờ vào sự ủng hộ của cộng đồng, việc kinh doanh trở nên thuận lợi, hot girl Nguyễn Hoàng Mai Ly đã có một cuộc sống được nhiều người ngưỡng mộ, ao ước. Trên mạng xã hội, cô thường xuất hiện cùng những món đồ hàng hiệu, xế hộp đắt tiền…
Thế nhưng buồn thay, cô lại "trả ơn" cho những "thượng đế" – những người đã ủng hộ, giúp cô có một cuộc sống nhiều người mơ ước bằng cách phản bội lại chính họ bằng việc bán những thứ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm pháp luật, có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Fanpage Maily Style với hơn 520 nghìn lượt theo dõi |
Ngày 25/12, khi Tổng cục Quản lý thị trường công bố thông tin kết quả kiểm tra ban đầu về kho hàng tại Hà Nội của Mailystyle.com, nhiều người đã phải thốt lên rằng: Tại sao có thể kiếm tiền một cách bất chấp, táng tận lương tâm như vậy?
Cụ thể, kho hàng Mailystyle.com là một căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100m2, nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt cho khách. Hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... Và phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cần phải mở ngoặc nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của Mailystyle.com, mà đây là cả một quá trình dài trinh sát, theo dõi, bám nắm địa bàn. Điều này được thể hiện ngay trong bản tin phát đi vào cùng ngày 25/12, chi tiết tới từng con số, từng buổi livestream. Rằng, trong phiên livestream ngày 23/12, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Tham dự cùng phiên livestream trên tài khoản Mailystyle.com còn có sự xuất hiện của một số Tiktoker sở hữu hàng trăm nghìn lượt follower như Pewpew, Hứa Phương Ngân… cùng tham gia giới thiệu, bán hàng.
Việc kiểm tra, phối hợp, xử lý cũng không chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội mà còn có Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy quy mô và tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng khẳng định: Đây là một trong những vụ việc nổi bật về việc kiểm tra kho hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử mà lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kể từ khi Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thế nhưng sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Hoàng Mai Ly dường như không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và những việc làm mình gây ra trong suốt thời gian qua, mà còn lên Facebook đăng tải nhiều story, bài viết và bình luận tỏ ra vô can, xem thường pháp luật, kiểu: “Tăng follow đột biến. Em cũng đến ạ các anh chị. Tha cho em”, “Em vẫn bình an nhé mọi người”… cùng những biểu cảm cười giễu cợt không thể chấp nhận.
Cũng liên quan tới hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, chiều 27/12, Tổng cục Quản lý thị trường công bố kết quả kiểm tra ban đầu một cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội táng tận lương tâm và tàn nhẫn không kém.
Bên trong cơ sở sản xuất hàng giả tại thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội |
Cụ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh này nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội do Nguyễn Văn Tiến (SN 1990) làm chủ. Cơ sở này có diện tích khoảng 1.400m2, trước đây là trang trại nuôi gà.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da, và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hóa. Trong đó, một số sản phẩm cụ thể như: 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn thể hiện Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenic Acid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp Ultra V Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, trên nhãn thể hiện Made in Korea....
Theo ông Nguyễn Phi Hiển, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, đây là một trong những vụ việc có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. “Chúng tôi phải mất 20 giờ đồng hồ, sử dụng 26 xe tải mới có thể đóng gói, di chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Theo ước tính, cả sản phẩm và máy móc, thiết bị phục vụ việc sản xuất, đóng gói hàng hóa tại cơ sở này lên tới 50 tấn” - ông Hiển thông tin.
Đến sáng 27/12, Đội Quản lý thị trường số 25 tiếp tục kiểm kê hàng hóa, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm. Xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, Đoàn kiểm tra đang hoàn tất hồ sơ để chuyển giao sang cơ quan Công an huyện Chương Mỹ để điều tra, làm rõ.
Qua thông tin ban đầu 2 sự việc trên có thể thấy quy mô, mức độ, tính chất nghiêm trọng cũng như sự nguy hiểm, tán tận lương tâm của chủ những cơ sở này. Những thứ ăn/uống vào người, đắp lên mặt, cơ thể nhưng vì tiền, họ đã bất chấp đạo đức và pháp luật, họ phản bội lại những người đã ủng hộ, cho họ một cuộc sống giàu sang bằng cách làm giả, làm nhái, gian lận thương mại.
Chưa bàn tới việc đúng sai bởi kết luận cuối cùng thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền, song xét dưới góc độ đạo đức, đây là những việc làm không thể chấp nhận, cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho kẻ khác.