Lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển bị gián đoạn, giá cà phê xuất khẩu tiến tới vùng cao nhất
Kết thúc tuần giao dịch 15 - 21/1, sắc xanh bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá Robusta tăng mạnh 6,43%, tiến tới vùng cao nhất trong 16 năm. Lo ngại căng thẳng Biển Đỏ leo thang làm gián đoạn hoạt động cung ứng giữa các nước sản xuất và tiêu thụ Robusta hàng đầu thế giới đã đẩy giá tăng mạnh.
Trong tuần qua, tình hình xung đột trên Biển Đỏ trở nên nghiêm trọng với sự tham gia của Mỹ và Anh. Điều này khiến thị trường lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển giữa các quốc gia châu Á như Việt Nam, Indonesia với các thị trường tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và châu Âu bị gián đoán. Khi đó, khả năng xảy ra khan hiếm nguồn cung cục bộ cao, đặc biệt khi các nước nhập khẩu khi chưa thể tìm được nguồn hàng thay thế từ các quốc gia sản xuất khác .
Giá Arabica cũng tăng 2,86% nhờ lực kéo từ giá Robusta và dữ liệu tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE bất ngờ yếu đi.
Giá Robusta tăng mạnh 6,43%, tiến tới vùng cao nhất trong 16 năm |
Trong tuần kết thúc ngày 21/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm 8.331 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đã chứng nhận còn 253.108 bao. Điều này khá bất ngờ với thị trường khi dữ liệu tồn kho trước đó đã có sự hồi phục dù tốc độ còn chậm. Và sự đi xuống cũng đặt ra nghi ngờ về vấn đề nguồn cung trên thị trường ở hiện tại.
Trước đó, Cơ quan quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự kiến, sản lượng cà phê trong năm 2024 của Brazil đạt 58,08 triệu bao loại 60kg, tăng 5,5% so với năm 2023.
Đồng thời, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 3,78 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 31% so với tháng 12/2022.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ cũng đồng loạt tăng mạnh 1.400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 71.800 - 72.500 đồng/kg.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến ngày 31/12/2023, giá Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE-EU) ở mức 3.046 USD/tấn, tăng 63% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, giá Robusta trong năm qua chạm mức cao nhất trong 28 năm vào ngày 21/12/2023 với 3.179 USD/tấn. Cùng với đó, trang giacaphe.com cho biết giá cà phê nhân xô năm 2023 tại nước ta đã chạm mức đỉnh lịch sử vào ngày 29/12, đạt 69.900 đồng/kg.
Do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD. |
Cũng theo MXV, năm vừa qua, ngành cà phê Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về giá để viết tiếp lịch sử kim ngạch xuất khẩu năm thứ hai. Đây là tín hiệu đáng mừng trong quá trình nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kim ngạch dương đã giúp cà phê là một trong số ít mặt hàng đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của cả nước trong năm 2023.
Trong thời gian tới, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ sẽ tạo động lực rất lớn cho giá cà phê trong năm 2024. Cụ thể, giá Robusta trên thị trường thế giới nói chung và giá cà phê Việt Nam nói riêng vẫn còn dư địa để duy trì mức giá cao, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024.
Do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.
Thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn hàng tại Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy giá tăng. Bởi vì năm 2022, Việt Nam đã xuất đi một lượng cà phê lớn kỷ lục trong khi sản lượng thu hoạch lại giảm 10-15% so với vụ trước, cho nên lượng cà phê sẵn sàng cho xuất khẩu năm 2023 thấp. Trong khi đó, nhu cầu đối với Robusta tăng mạnh trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lãi suất tăng cao và kinh tế ảm đạm, đã thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Trong báo cáo xuất khẩu cuối năm 2023, Tổng cục Hải quan cho biết kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp giá trị xuất khẩu cà phê của nước ta vượt 4 tỷ USD.
Dù kim ngạch đạt kỷ lục nhưng năm qua Việt Nam chỉ xuất đi 1,62 triệu tấn cà phê (tương đương 27,05 triệu bao), giảm 8,7% so với năm trước. Cho nên, kết quả này là nhờ giá Robusta trên thế giới và giá cà phê nội địa ở mức cao.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 10% so với vụ trước. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn khác là Brazil và Indonesia cũng giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/23.