Thứ tư 18/12/2024 08:03

Lễ hội Rija Nagar - Lan tỏa các giá trị văn hóa Chăm

Lễ hội Rija Nagar lan tỏa bản sắc đặc trưng của văn hóa Chăm như: Âm nhạc, vũ điệu, trang phục, ẩm thực, văn khấn và những lời chúc tụng đầy tình cảm…

Lễ Rija Nagar là lễ hội quan trọng đầu năm của dân tộc ChămBàlamôn, tỉnh Ninh Thuận. Đây là lễ hội đánh dấu khởi đầu cho chuỗi lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. Lễ hội Rija Nagar là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm, thể hiện niềm tin vào thế giới tâm linh và mong ước về một cuộc sống sung túc, an khang.

Lễ Rija Nagar là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm

Lễ Rija Nagar diễn ra trong hai ngày với mong ước cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, đồng thời gột rửa những điều không may mắn của năm cũ để chào đón năm mới với nhiều niềm vui và hy vọng. Lễ hội được tổ chức tại nhà lễ (kajang) với sự chủ trì của ông Ka-ing (thầy cúng) và thầy vỗ Maduen, ngoài ra còn có nghệ nhân đánh trống Ginang, thổi kèn Saranai.

Theo kinh nghiệm của đồng bào Chăm, đầu năm khi nghe tiếng sấm rền vang ở phía đông, phía tây là báo hiệu một năm mới. Người Chăm bắt đầu tổ chức lễ hội đầu năm Rija Nagar để tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, đón nhận những điều tốt lành cho dân làng và đón nước, cầu mưa, chuẩn bị mở đầu cho việc khai trương, cày cấy.

Từ tiếng sấm đầu năm đó, người Chăm bắt đầu cắm mốc thời gian cho năm mới, cho lịch Chăm. Đó cũng là ngày hội mở đầu năm - mùng 1 tháng Giêng lịch Chăm. Kể từ mùng 1 cho đến hết thượng tuần trăng tháng Giêng là thời gian mở hội lễ Rija Nagar. Khắp nơi làng Chăm đều tổ chức lễ hội Rija Nagar.

Lễ Rija Nagar được tổ chức trong hai ngày “Một ngày vào và một ngày ra”. Hoặc họ gọi theo cách gọi cúng lễ vật “Ngày vào cúng gà và ngày ra cúng dê” (tamư mưnuk tabiak pape).

Chuẩn bị lễ vật trong lễ Rija Nagar

Ngày đầu của lễ Rija Nagar là lễ cúng thần mới. Lễ vật cúng là bàn tổ gồm một thôn trầu, rượu, trứng cùng các món cúng như xôi, chuối, gà. Khi tiếng trống Ginang ngân lên, tiếng kèn Saranai réo rắt là lúc buổi lễ bắt đầu với điệu múa khoan thai của ông Ka-ing. Khi đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống Paranưng trên tay vừa vỗ vừa hát những bài thánh ca và mời các vị thần về dự lễ.

Song hành với ông Maduen là ông Ka-ing có vai trò như một vũ công múa dâng lễ. Mỗi vị thần linh có tước vị, tính cách, trang phục khác nhau. Do đó, khi múa ông Ka-ing cũng hoá trang, nhập vai và mang theo những đạo cụ khác nhau để diễn tả về các đặc điểm, phong thái của các vị thần linh. Đánh nhạc cho ông Ka-ing múa là một ban nhạc lễ, gồm có hai nhạc công đánh trống Ginang, một nhạc công thổi kèn Saranai. Khi ông Ka-ing hóa thân vào thần linh nào thì ban nhạc tấu lên những bản nhạc dành riêng cho từng vị thần linh đó.

Mở đầu nghi lễ Rija Nagar chức sắc, ông Maduen đốt trầm hương, rót rượu mời thần linh và khấn cầu những điều tốt lành cho dân làng. Lần lượt từng vị thần linh được ông Maduen mời đến chứng giám và nhận lễ, chức sắc, ông Ka-ing nhập vai, hóa trang vào thần linh múa mừng theo từng nhịp trống, tiếng kèn của ban nhạc lễ. Diễn tả nhân vật Po Tang Ahaok, ông Ka-ing mang áo màu đỏ, quấn khăn màu đỏ, tay cầm cây mía biểu tượng cho mái chèo làm động tác chèo thuyền một cách dũng mãnh, vượt qua bao sóng to gió lớn, chiến thắng trước biển cả mênh mông, hoá thân vào nhân vật Po Cei Tathun ông Ka-ing cầm roi, múa phi ngựa hí vang trời trông oai phong như một vị tướng ra trận.

Ông Ka-ing nhập vai, hóa trang vào thần linh múa mừng theo từng nhịp trống, tiếng kèn

Nhưng khi vào vai nhân vật nữ thần Po Nai, ông Ka-ing thay trang phục nữ màu trắng, tay cầm quạt múa những nhịp điệu, bước đi nhẹ nhàng, khoan thai, uyển chuyển và quyến rũ. Người dân đi xem lễ Rija Nagar rất phấn khích lúc chứng kiến sự thăng hoa lên đồng của ông Ka-ing nhập vai vị thần PoHaniimper, bằng đôi chân trần ông Ka-ing nhảy lên đống lửa đang cháy để dập tắt ngọn lửa trong tiếng nhạc đánh dồn dập và sự cổ vũ hoan hô, cuồng nhiệt của dân làng. Dập tắt đi ngọn lửa là tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng và đem lại khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hoà cho dân làng cày cấy.

Tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai vang lên cùng điệu múa của ông Ka-ing tạo bầu không khí trang nghiêm nhưng vô cùng náo nhiệt của lễ Rija Nagar.

Thông qua lễ Rija Nagar, đồng bào Chăm đã lan tỏa và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc và múa. Tất cả các điệu nhạc trống Ginang, kèn Saranai một số làn điệu dân ca và các động tác múa truyền thống dân tộc Chăm hầu như đều có xuất xứ từ các lễ Rija Nagar và được bảo tồn rộng rãi trong đời sống người Chăm cho đến ngày nay. Đồng thời, qua lễ Rija Nagar các giá trị cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau…

Phạm Tiệp
Bài viết cùng chủ đề: lễ Rija Nagar

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức

Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm 2024: Thu hút đầu tư du lịch khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ

Bố Trạch - Quảng Bình: Tính dụng chính sách “chủ công” hỗ trợ hộ nghèo

Thừa Thiên Huế: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”

Du khách sẽ được tham dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hoá các dân tộc

Lễ hội Hết Chá răn dạy con người biết sống có tình, có nghĩa

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cor gần gũi với thiên nhiên

Nét duyên trong trang phục phụ nữ dân tộc Lào vùng Tây Bắc

Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4