Lao động có kỹ năng: “Chìa khóa” nâng cao năng suất
Còn khoảng cách lớn
Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện nhiều nhưng đến nay vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Qua một số kết quả khảo sát thực tế cho thấy, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào; chỉ cao hơn Campuchia 1,6 lần.
Cần chú trọng đào tạo lại nghề cho người lao động |
Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp được chuyên gia chỉ ra là sản xuất công nghiệp trong nước vẫn tập trung chủ yếu vào công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI.
Cùng với đó, chi phí thương mại của Việt Nam còn cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics; việc tổ chức, phân bố không gian phát triển ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng...
Đáng chú ý, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập.
Trong khi đó, tại các nước trên thế giới đều có chung quan điểm chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến tăng năng suất lao động. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam tuy có sự cải thiện, nâng cao, nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội): Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ.
Vì vậy, nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội, nhất là dưới tác động bởi ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa… ảnh hưởng đến những ngành nghề liên quan đến lao động giản đơn, thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp, thủ công, trong khi lao động các ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay với khoảng 68%.
Để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ - CP hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thích ứng với bối cảnh mới.
Ông Trương Anh Dũng cho biết, việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, hết tháng 3/2022, mới có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng – con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra. Trong khi đó, đến cuối tháng 6 này, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ - CP sẽ hết hạn.
Đề cập đến giải pháp nâng cao năng suất lao động, tại nhiều hội nghị, hội thảo phía chuyên gia của ILO cũng khuyến nghị, kỹ năng như một động lực để nâng cấp nền kinh tế và là thành tố then chốt để các ngành kinh tế có thể đạt được mục tiêu. Song để làm được điều này, cần sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học với doanh nghiệp. |