Thứ sáu 22/11/2024 01:44

Làm cách nào để đảm bảo an toàn với thực phẩm hỗ trợ vùng bão lũ?

Sau ảnh hưởng của bão số 3, người dân cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong đó có thực phẩm, vậy làm cách nào để đảm bảo an toàn khi đến tay người sử dụng?

Mưa bão, lũ, sạt lở luôn là nỗi lo thường trực của người dân các vùng trũng, ven biển, vùng núi cao. Những cơn bão, lũ không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn, hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở tạo ra những vùng bị cô lập, người dân cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong đó có thực phẩm và nước sạch để uống.

Nguy cơ từ thực phẩm hút chân không tự chế

Trong những đợt cứu trợ gần đây, nhiều nhóm, hộ gia đình đã tích cực đóng góp thực phẩm, trong đó có nhiều loại bánh chưng, bánh mì và các loại thực phẩm khác được chế biến và hút chân không để đảm bảo vệ sinh và kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, việc tự chế biến và đóng gói thực phẩm tại nhà, dù với mục đích tốt, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.

Môi trường kín của bao bì hút chân không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn yếm khí, đặc biệt là vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây là loại vi khuẩn rất nguy hiểm, có khả năng sản sinh độc tố mạnh, gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Trong số hàng cứu trợ năm nay, nhiều loại bánh chưng, bánh mì được hút chân không để bảo quản trong quá trình vận chuyển, phân phát đến cho bà con vùng lũ, lụt.

Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo đảm bảo an toàn thực phẩm hỗ trợ đến người dân vùng bị thiên tai, bão, lũ:

Đối với tổ chức/cá nhân cứu trợ thực phẩm:

- Ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định;

- Ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ.

- Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý:

+ Lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như: thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh tét, sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không;

+ Đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm; khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp.

- Nên hỗ trợ những loại thực phẩm tự chế biến, bao gói hút chân không cho những khu vực mà thời gian vận chuyển ngắn để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với thực phẩm hỗ trợ trong thời gian sớm nhất kể từ khi chế biến.

Đối với người cấp phát thực phẩm cứu trợ:

- Bao gói hàng cẩn thận để tránh bị ngấm nước mưa hoặc rơi, ngập trong nước lũ, bùn.

- Đối với các thực phẩm tự chế biến, bao gói có thời hạn sử dụng ngắn, cần lưu ý thời gian vận chuyển để đảm bảo khi thực phẩm tới tay người được cứu trợ không bị biến chất, ôi, thiu, mốc hỏng.

Đối với người sử dụng thực phẩm cứu trợ:

- Cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; Thực phẩm đóng hộp không phồng, nhưng khi mở ra nghe tiếng "xì" tức là có không khí ở trong, hơi “nặng mùi” cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.

- Đặc biệt, với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như bánh chưng, bánh dày, bánh tét... được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng. Các loại thực phẩm này có hạn sử dụng ngắn, trong vòng vài ngày, nên cần được biết ngày sản xuất, đóng gói.

Bên cạnh đó, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương bị bão, lũ cần bố trí lực lượng để tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng thực phẩm cứu trợ nhanh chóng nhất có thể cho người dân; Duy trì việc tuyên truyền để người dân thực hiện đảm bảo vệ sinh ăn uống tốt nhất trong điều kiện có thể; Chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng để chủ động xử lý, khắc phục nếu có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm xảy ra.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm cứu trợ, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm đóng gói, hút chân không. Đồng thời, cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các kiến thức an toàn thực phẩm, giúp người dân nhận biết và phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Việc hỗ trợ thực phẩm cho người dân vùng lũ là hành động vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân, chúng ta cần hết sức thận trọng trong quá trình chế biến, đóng gói và phân phối thực phẩm. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết.

Tường Vy
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương làm việc tại Hà Tĩnh về an toàn thực phẩm

Kết nối tiêu thụ, hướng đến tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn

Hà Nội: Khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024

Hà Nội: Quảng bá và giới thiệu mô hình chợ an toàn thực phẩm tại quận Long Biên

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Hà Nội: Từ ngày 13 đến 17/9, diễn ra Lễ hội An toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu

Đắk Lắk nâng cao công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Miền Trung tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

84,6% người tiêu dùng Việt ưu tiên sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc rõ ràng

Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Tuyên Quang: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024

Sở Công Thương Bình Dương: Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịp Tết Trung thu

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu

Bình Thuận: Gần 100 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong 7 tháng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kịp thời hướng dẫn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Bánh trung thu ‘handmade’: Lo ngại từ những nguyên liệu ‘rởm’

Thị trường bánh trung thu handmade: Nở rộ nhưng có an toàn?

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiêu hủy lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc

Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu?