Hoà Bình: Thu giữ gần 1 tấn nội tạng hôi thối khi đang đi tiêu thụ Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Được biết, đến hết tháng 11 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Mai Châu làm 132 người mắc, ngoài ra số mắc ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ là 33 ca. Ngành Y tế đã lấy mẫu giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm với tổng số mẫu được lấy là 2.668 mẫu thực phẩm, tổng số test nhanh đã phân tích mẫu thực phẩm là 3.200 test.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình thu giữ 7 thùng xốp chứa trên 750kg thực phẩm bẩn. Ảnh: QLTT |
Ngành nông nghiệp tiến hành lấy 275 mẫu, trong đó 230/230 mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chỉ tiêu phân tích, còn 45 mẫu đang chờ kết quả phân tích.
Theo ông Nguyễn An Trường – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, trong năm 2024 tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, bếp ăn tập thể, căng tin trường học… qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kịp thời phát hiện các cơ sở vi phạm để từ đó kịp thời xử lý, tránh gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Cụ thể tại tuyến tỉnh, Sở Y tế đã kiểm tra 182 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt 66 triệu đồng.
Ngoài ra ngành Y tế cũng tham gia 4 đoàn kiểm tra do ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì, qua đó đã kiểm tra 293 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống và không phát hiện cơ sở vi phạm.
Đồng thời, tỉnh Hòa Bình cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành do Sở Công Thương chủ trì, qua kiểm tra 35 cơ sở sản xuất kinh doanh, 100% cơ sở được kiểm tra đã chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn An Trường, trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 55 cơ sở qua đó đã phát hiện 32 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt lên đến 119.600.000 đồng. Cùng với đó, lực lượng công an tỉnh qua phát hiện, đấu tranh, xử lý 18 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đã xử phạt với số tiền 50,8 triệu đồng, lực lượng công an tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan lực lượng chức năng trên địa bàn để tổ chức kiểm tra, qua đó đã xử phạt 33 tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt với số tiền 88,9 triệu đồng.
Cùng với tuyến tỉnh, tại tuyến huyện, thành phố, Hòa Bình đã thành lập 424 đoàn kiểm tra, nhằm tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào các dịp lễ, hội, Tết nguyên đán… qua đó đã tiến hành kiểm tra 5.545 cơ sở, phát hiện vi phạm 165 cơ sở, xử lý phạt tiền 153 cơ sở với số tiền xử phạt 336,7 triệu đồng.
phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và PTNT trong kiểm tra, giám sát đã giúp Hòa Bình kiểm soát tốt an toàn thực phẩm
Được biết, năm 2024 Hòa Bình đã đẩy mạnh trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, qua đó các ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp theo lĩnh vực quản lý của đơn vị đã thực hiện chuyển các thủ tục hành chính ra Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
“Bộ thủ tục hành chính được đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin của các Sở, đơn vị chức năng. Đến nay, các Sở đã thực hiện chuyển đổi, cung cấp 100% thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP mức độ 3, mức độ 4”- ông Trường cho hay.
Kiên quyết xử lý cán bộ buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào thực chất, công tác thông tin tuyên truyền đã được tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh. Bên cạnh hàng trăm tin, bài, phóng sự được phát và đăng tải trên Báo Hòa Bình, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hòa Bình thì các hoạt động tuyên truyền bằng băng zôn, diễu hành cổ động, các hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được triển khai sâu rộng từ tuyến tỉnh đến các xã, phường.
Sở Công Thương kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ảnh: Thu Hà |
Theo ông Nguyễn An Trường, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần phải sớm được khắc phục trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương còn hạn chế về số lượng, thời lượng, hình thức, nội dung và phương pháp truyền thông, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, tháng hành động vì an toàn thực phẩm...
Thêm vào đó, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã còn thiếu, gây khó khăn cho công tác triển khai các văn bản hướng dẫn cũng như nắm bắt tình hình. Đó còn chưa kể đến trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là các bộ test nhanh kiểm tra an toàn thực phẩm…
Năm 2025, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội ... trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về an toàn thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu…