Kỳ vọng tăng trưởng bền vững
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở kết quả này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018. Kịch bản thứ nhất là 6,7% - mức cao nhất theo Nghị quyết của Quốc hội. Kịch bản thứ hai là tăng trưởng GDP 6,8% với lực đẩy từ công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, nếu không có biến động lớn xảy ra, các yếu tố khu vực tư nhân đi vào hoạt động tốt thì mức tăng GDP 6,8% hoàn toàn khả thi.
Điều đáng nói không phải là con số tăng trưởng GDP sẽ đạt được mà cơ cấu ngành kinh tế đang có chuyển dịch tích cực theo hướng mở cửa, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Đó là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I năm nay có đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng 11%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, có 8 loại mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 13,6%, như vậy trong quý I/2018, cả nước xuất siêu 1,1 tỷ USD.
Có thể nói, kết quả tăng trưởng nêu trên đang theo đúng cam kết của Chính phủ về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đặc biệt, không chủ quan, lơ là và có tầm nhìn xa hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.