Thứ sáu 27/12/2024 12:09

Kỳ vọng lớn xuất khẩu cá tra

Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra trong 2 năm qua chịu nhiều “sóng gió”, các doanh nghiệp kỳ vọng năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội cho cá tra bơi ra biển lớn.

Xuất khẩu đã hồi phục

Là một trong những doanh nghiệp xuất cá tra hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang nỗ lực chốt các đơn hàng xuất khẩu trong cuối năm. Theo báo cáo 11 tháng năm 2021 của Vĩnh Hoàn cho thấy, trong tháng 11/2021, doanh thu xuất khẩu của công ty này (không bao gồm Công ty Sa Giang) đạt 912 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng 10/2021. Đây cũng là tháng đạt doanh thu xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay của Vĩnh Hoàn. Trong đó, cá tra vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty với 617 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ nhưng chỉ tăng 3% so với tháng trước.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn khó lường với những tác động trực tiếp của đại dịch lên nền kinh tế đất nước trong đó có ngành cá tra. Nếu như năm 2020 ngành cá tra “mắc cạn” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường XK chủ lực thì từ quý 3/2021, tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã khiến cả ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra khó khăn trăm bề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến XK. Trong quý 3/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù hoạt động XK đã phục hồi, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn theo xu hướng giảm.

Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch XK giảm 22% chỉ đạt 376 triệu USD. Nhập khẩu cá tra vào thị trường này liên tục sụt giảm mạnh từ quý 3 và kéo dài sang cả những tháng cuối năm. Nguyên nhân là kể từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam phía Trung Quốc đã áp dụng ngày càng nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm cá tra, sẽ tiếp tục tác động đến xu hướng thị trường trong năm 2022.

Áp lực tăng chi phí

Xác định năm 2022 sẽ rất nhiều khó khăn trong XK thủy sản, trong đó có cá tra, nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp, XK cá tra sẽ tiếp tục khởi sắc. Những kinh nghiệm trong năm 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin đặt ra kế hoạch cao hơn cho năm 2022. Tuy nhiên, các bài toán thách thức của năm 2021 có thể vẫn chưa giải được hoàn toàn trong năm 2022. Việc nuôi trồng và chế biến cá tra vẫn còn đó những bất ổn và khó khăn tiếp tục phải đối mặt.

Về thị trường xuất khẩu, theo phân tích của ông Trương Đình Hòe, sau nhiều tháng đóng cửa do Covid-19, các nền kinh tế đã mở cửa trở lại với tâm thế sống chung với Covd-19. Các chính sách kích thích phát triển kinh tế song song với tình hình lạm phát cao, áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao, nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khiến cho việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp.

Dự báo thị trường Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động bởi những chính sách siết việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch. Nhà nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn khi quy định nhập khẩu mới làm chi phí phát sinh ở cảng đến nhiều hơn và hàng cần đưa vào kho lạnh kiểm tra Covid -19 trước khi được lưu thông khiến thời gian kéo dài. Ước tính chi phí cho 1 lô hàng nhập khẩu cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường châu Âu trong năm 2022 sẽ khó có đột biến tăng trưởng do vẫn chưa thấy được các kết quả thoát dịch bền vững. Bên cạnh đó nhiều thị trường không chịu nổi mức giá tăng của cá tra từ áp lực cước vận chuyển tăng vọt gấp 10 lần…

Ngoài cước phí, trong năm 2022, các doanh nghiệp lo ngại thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Dự báo sản lượng cá nuôi sẽ đạt tương đương năm 2021. Trong khi người nuôi đối mặt với chi phí tăng thì giá xuất khẩu cá tra lại gặp khó trăm bề từ yếu tố thị trường, cước vận chuyển và hàng rào kiểm soát Covid -19.

“Áp lực từ việc tăng giá cước tàu một cách phi lý trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt đang tạo áp lực rất lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực trong đó có ngành cá tra. Kiến nghị Chính phủ quan tâm, có sự can thiệp sâu và hiệu quả hơn nữa đến vấn đề cước phí vận tải quốc tế để tránh đứt gãy xuất khẩu, giúp doanh nghiệp cá tra chủ động trong kế hoạch sản xuất xuất khẩu năm 2022”- ông Trương Đình Hòe phân tích.

Với sự nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp dưới cơ chế quyết sách hỗ trợ và linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022, sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021.

Theo Báo Hải quan

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Quảng Bình: Tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục