Giống như nhiều vùng nông thôn trên cả nước, người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa Tiền Giang luôn khát khao được sử dụng hàng hóa Việt chính hãng, có chất lượng, giá cả phải chăng. Trong hoàn cảnh hàng Trung Quốc ngày càng bị người tiêu dùng tẩy chay, khu vực nông thôn càng trở thành “miền đất hứa” cho DN Việt.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng thu hút nhiều DN tham gia bởi hầu hết các DN đều nhận thấy hiệu quả của chương trình này. Không chỉ các DN trong tỉnh mà nhiều DN lớn trên địa bàn cả nước như bánh kẹo Bidrico, kem đánh răng Dạ Lan, nhựa Duy Tân, hàng điện tử VTB... cũng hào hứng tham gia các chuyến hàng. Xu hướng mua sắm hàng Việt ở người tiêu dùng nhờ đó đã thay đổi. Các DN có cơ hội quảng bá sản phẩm, tiếp xúc với tiểu thương, người tiêu dùng, hiểu rõ hơn về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng nông thôn. Quan trọng hơn hết, CVĐ được nhân dân hưởng ứng tích cực, thể hiện qua việc đông đảo bà con tham gia mua và luôn chờ đợi các chuyến hàng.
Không chỉ tổ chức các chuyến hàng, hội chợ, để hàng hóa thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối, sau mỗi phiên chợ, nhiều DN đã cho nhân viên đem sản phẩm đi chào với các tiểu thương, đại lý, cửa hàng tại những địa bàn phiên chợ vừa đi qua. Hiệu ứng từ các chuyến hàng đã giúp hàng hóa được các đại lý, tiểu thương nhiệt tình chấp nhận. Nhờ đó, hàng hóa có cơ hội tiếp cận và được thị trường và người tiêu dùng đón nhận.
Theo khảo sát thực tế, tại một số chợ ở các vùng nông thôn của TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, tại hệ thống phân phối của Tiền Giang, sự hiện diện của sản phẩm trong nước tăng lên khá nhiều so với trước, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, may mặc. Nhiều tiểu thương đã hạn chế bán sản phẩm may mặc của Trung Quốc, chuyển sang lấy quần áo may sẵn ở các khu chợ, các làng nghề về bán lại cho người dân sử dụng.
Tuy nhiên, phải khẳng định, để hàng Việt bám rễ vùng nông thôn và người dân được dễ dàng sử dụng hàng Việt Nam chính hãng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là xây dựng những kênh phân phối cố định để DN yên tâm đưa hàng hóa đến, người tiêu dùng cũng dễ dàng chọn mua hàng hóa. Theo đó, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Tiền Giang cho hay, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 chỉ rõ, đến năm 2020, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trong thời gian tới, Tiền Giang mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương để xây dựng nhiều hơn các điểm bán hàng này nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn.
6 năm qua, trong khuôn khổ CVĐ, hàng trăm chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã được tổ chức. Những chuyến hàng đã đưa nhiều loại sản phẩm như hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, bánh kẹo, đồ uống... của các DN sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn. |