Quảng Ninh cần tiếp tục thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới |
Hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để triển khai hoạt động hợp tác, kết nối. Cụ thể: Quảng Ninh phối hợp với Hải Dương xây dựng cầu Triều kết nối huyện Đông Triều với huyện Kinh Môn; phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai các thủ tục xây dựng dự án cầu Rừng, dự án cầu Lại Xuân, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B, quốc lộ 279; xem xét khởi động lại đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Với những kết quả đã đạt được, đến nay, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.
Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long có thể đón tàu du lịch cỡ lớn |
Bên cạnh đó, cảng biển Quảng Ninh đang từng bước phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình về hàng chuyển tải, hàng rời, hàng chuyên dùng nên tổng lượng hàng qua cảng tương đương 75% của cảng Hải Phòng. Cảng biển Quảng Ninh có khả năng tiếp nhận các tàu chuyên dùng (than, xi măng, xăng dầu,…) có tải trọng lớn, tàu khách du lịch quốc tế. Hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo được từng bước đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Về năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn của cảng Quảng Ninh hiện nay không thua kém nhiều so với khu bến Lạch Huyện của cảng Hải Phòng và có khả năng cạnh tranh cao với các khu bến khác của Hải Phòng.
Hệ thống bến phao, khu chuyển tải của Quảng Ninh đứng đầu nhóm cảng biển số 1 cả về quy mô và khả năng tiếp nhận.
Dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới.Tỉnh Quảng Ninh cũng đang ưu tiên quy hoạch quỹ đất phát triển ngành logistics; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và gia tăng năng lực các loại hình dịch vụ vận tải gồm cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Vị trí trong nội vùng ngày càng quan trọng
Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế vì tỉnh là một phần không thể tách rời trong ― “tam giác phát triển” (cùng với TP. Hà Nội và Hải Phòng), được coi là động lực kinh tế chính của vùng.
Vai trò của Quảng Ninh trong các mục tiêu kinh tế được nâng cao trong giai đoạn 2021–2030 như là một trong năm hành lang kinh tế mục tiêu (Hà Nội–Nội Bài–Hạ Long). Với kết cấu hạ tầng mạnh, tỉnh có thể giúp các địa phương trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng cải thiện kết nối và tiếp cận với các thị trường mới như Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Móng Cái. Quảng Ninh cũng có thể tích hợp vào hệ sinh thái hiện có của các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng để tạo ra chuỗi cung ứng toàn diện mang tầm thế giới. Đặc biệt, Quảng Ninh có hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch với một số tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, tiêu biểu nhất là các tour du lịch TP. Hà Nội–Quảng Ninh và các tour du lịch tín ngưỡng phía Bắc (Tràng An–Côn Sơn Kiếp Bạc–Yên Tử).
Nhằm tăng cường kết nối liên vùng, Quảng Ninh là trung tâm của hai hành lang kinh tế chiến lược: Nam Ninh–Lạng Sơn–Hà Nội–Hải Phòng–Quảng Ninh và Côn Minh–Lào Cai–Hà Nội–Hải Phòng–Quảng Ninh. Cả hai hành lang kinh tế này đều hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh nhằm tăng cường kết nối thương mại giữa các tỉnh cũng như các khu kinh tế tiềm năng.
Toàn cảnh Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn hiện đại |
Cụ thể, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một trung tâm kinh tế với các hoạt động thương mại và du lịch sầm uất, các ngành công nghiệp hậu cần và công nghệ cao đẳng cấp thế giới – đồng thời đẩy mạnh những gắn kết về mặt kinh tế với Trung Quốc. Tuyến giao thông kết nối Quảng Ninh với các điểm mút trên hai tuyến hành lang đều có chất lượng tốt, nhưng cấp đường kết nối của Việt Nam còn ở mức thấp hơn so với phía Trung Quốc.
Cả hai hành lang kinh tế từ Nam Ninh và Côn Minh (Trung Quốc) này hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh nhằm tăng cường kết nối thương mại giữa các tỉnh cũng như các đặc khu kinh tế tiềm năng. Cụ thể, khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một trung tâm kinh tế với các hoạt động thương mại và du lịch sầm uất, các ngành công nghiệp hậu cần và công nghệ cao đẳng cấp thế giới – đồng thời đẩy mạnh những gắn kết về mặt kinh tế với Trung Quốc.
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm - “hạ tầng đồng bộ” và “đi trước một bước” là tiền đề để các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phát triển vượt bậc trong giai đoạn sắp tới.
Dự kiến thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng liên kết các khu công nghiệp và cụm công nghiệp với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, cảng biển và công trình phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế–xã hội của từng địa phương. |