Quảng Ninh: Các hộ dân được giao trên 6.000 ha mặt biển để khôi phục nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh: Nỗ lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường |
Với mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống ngư dân và khai thác tiềm năng du lịch, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đang tập trung nguồn lực để triển khai Dự án Cảng cá Hòn Gai. Dự án này hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo mới cho ngành thủy sản địa phương và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Mặc dù là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, nhưng TP. Hạ Long vẫn chưa có một cảng cá chuyên dụng đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Việc thiếu cảng cá hiện đại đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động đánh bắt và hậu cần nghề cá, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.
Phối cảnh dự kiến cảng cá Hòn Gai kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá. Ảnh: TTXVN |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng cảng cá, UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các phòng, ban chức năng xây dựng, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng cảng cá Hòn Gai kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá và các công trình phụ trợ khác trên địa bàn phường Hà Phong.
Cảng Cái Xà Cong (phường Hà Phong, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nằm trong Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của TP. Hạ Long đã được phê duyệt, dự án sẽ tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy suối khe cá khu vực hạ lưu suối và khu neo đậu tàu thuyền Cái Xà Cong. Đồng thời, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh cho khoảng 600 tàu cá và xây mới khu hậu cần nghề cá. Ngoài ra, còn có bảo tàng làng chài cổ, nhà chờ cho du khách tham quan và thủ thủy tàu, bãi đỗ xe, hệ thống đường giao thông đồng bộ.
Tổng kinh phí xây dựng cảng cá Hòn Gai dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài ngân sách thành phố, Hạ Long cũng mong có nguồn kinh phí từ Trung ương, để xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão này.
Mục tiêu của dự án là cảng cá mới sẽ cung cấp một nơi neo đậu an toàn, thuận tiện cho tàu thuyền, giúp ngư dân yên tâm bám biển, khai thác hải sản. Khu hậu cần nghề cá sẽ cung cấp các dịch vụ như bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho ngư dân. Bên cạnh đó, cảng cá hiện đại sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương và sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP. Hạ Long.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang trình thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500. Dự kiến, trong tháng 11/2024, đơn vị sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan để triển khai các bước tiếp theo của Dự án đầu tư xây dựng cảng cá Hòn Gai.
Dự án cảng cá Hòn Gai được triển khai không chỉ giải quyết tình trạng xuống cấp hiện tại của điểm neo đậu Cái Xà Cong mà còn cung cấp dịch vụ hậu cần thiết yếu, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, thúc đẩy ngành thủy sản về khai thác và chế biến. Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong khu vực.
Đặc biệt, sau những thiệt hại nặng nề do siêu bão số 3 gây ra, nhu cầu về một cảng cá hiện đại, an toàn càng trở nên cấp thiết. Cảng cá Hòn Gai được kỳ vọng sẽ là giải pháp toàn diện, đáp ứng các nhu cầu của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Trong nhiều năm qua, cảng Cái Xà Cong đã là nơi trú ẩn quen thuộc của ngư dân Hạ Long. Tuy nhiên, do quá trình bồi lắng tự nhiên và sự xuống cấp của công trình, cảng đã không còn đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất. Những hạn chế của cảng Cái Xà Cong là theo kết quả đo đạc, cao độ lòng dẫn tại cảng Cái Xà Cong chỉ dao động từ -0,5m đến +0,5m, không đảm bảo chiều sâu cần thiết cho tàu thuyền ra vào. Cảng được xây dựng từ lâu, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn và tiện nghi. Hoạt động hậu cần nghề cá tại cảng chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư đồng bộ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Tuyến đường kết nối từ đường Trần Quốc Nghiễn vào cảng chỉ là đường nông thôn, nhỏ hẹp, không đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa và phương tiện. |