Giàu mạnh từ sản phẩm của quê hương
Năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, trong 3 năm đầu triển khai, toàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP với trên 210 sản phẩm. Trong đó, không ít sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường ngoài nước như: Gốm Quang Vinh, nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu...
Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.
Miến dong Bình Liêu bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Ảnh: La Thanh |
Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai chương trình, toàn tỉnh có 339 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, với 293 sản phẩm 3 sao, 93 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 5 sao; có 218 chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, với 55 doanh nghiệp, 89 hợp tác xã, 74 hộ sản xuất. Hầu hết các sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì, nâng cao được các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm; 100% các sản phẩm OCOP 3-5 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử https://www.ocopquangninh.com.vn; bao bì, tem nhãn từng bước được cải tiến, nâng cấp và in đầy đủ thông tin theo quy định.
Doanh thu từ sản phẩm OCOP năm cao điểm lên đến 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 310 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 3.600 người. Chương trình OCOP đang góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân, làm giàu đẹp các vùng nông thôn của tỉnh.
Tại Quảng Ninh, ông Nịnh Văn Trắng (ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) là điển hình nhất về những tỷ phú "chân đất" đi lên từ Chương trình OCOP. Từ một nông dân người dân tộc Sán Chỉ chưa rõ hết mặt chữ cái, kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản, thu nhập bấp bênh đã trở thành giám đốc một công ty kinh doanh nổi tiếng khu vực phía Đông tỉnh Quảng Ninh.
Ban đầu, ông Trắng cũng như bao người dân Ba Chẽ khác, chỉ biết lên rừng kiếm thật nhiều trà hoa vàng rồi bán cho thương lái. Sau đó, nhận thấy lợi ích to lớn từ loại cây này, ông Trắng đã mang cây trà hoa vàng tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống, mở rộng diện tích trồng.
Từ khi tiếp cận Chương trình OCOP, ông Trắng bắt đầu có ý thức xây dựng, phát triển và tạo dựng thương hiệu cho trà hoa vàng Ba Chẽ. Nhờ được hỗ trợ, tạo điều kiện, sản phẩm trà hoa vàng của ông đã nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh và nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của ông Nịnh Văn Trắng đạt 200 kg hoa khô, 500 kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng.
Công nhân đóng gói sản phẩm trà hoa vàng - Ảnh: Thu Hương |
Năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông, lâm nghiệp Toàn Phú (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) tham gia Chương trình OCOP với mô hình trồng ổi; đến nay mô hình đã mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập.
Trước đây, thu nhập của các hộ dân/xã viên Hợp tác xã Toàn Phú chủ yếu dựa vào cây lúa, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, nên năng suất và sản lượng đạt thấp. Năm 2012, các hộ dân của xã chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng giống ổi. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các hộ đã biết cách liên kết với nhau thành lập hợp tác xã (năm 2017) với mục tiêu cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu ổi Hoành Bồ trở thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, hợp tác xã có 60 ha trồng ổi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.
Ông Vũ Minh Thường - Giám đốc Hợp tác xã Toàn Phú, chia sẻ: Nhờ OCOP xã viên đã có nhiều cơ hội quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ổi Hoành Bồ. Đặc biệt, cây ổi đã giúp các hộ tăng thu nhập gấp 10-15 lần so với cấy lúa. Với hơn 1,1 ha trồng ổi xen canh với bưởi, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 500 triệu đồng. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục nhân rộng diện tích trồng ổi, đồng thời hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP, đầu tư mẫu mã bao bì đạt sản phẩm 3 sao.
Mô hình trồng ổi của hộ ông Vũ Minh Thường (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm - Ảnh: Đậu Tuấn |
Nâng tầm thương hiệu từ khoa học và công nghệ
Để khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, hiện nay, nhiều chủ thể OCOP tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để làm mới sản phẩm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã và đang được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng.
Cũng thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
Đơn cử, tại Công ty CP Nước khoáng Quang Hanh, để làm mới sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đã đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh, từ tháng 4/2024, công ty đã đầu tư dây chuyền đóng lon 330ml thay thế chai nhựa, trị giá hơn 16 tỷ đồng, công suất 8.000 lon/giờ. Mặc dù mới ra mắt thị trường, nhưng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên ION kiềm của công ty đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, nhất là các huyện đảo "nói không với rác thải nhựa" như Cô Tô, Vân Đồn… đón nhận một cách tích cực.
Đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm - Ảnh: Tiến Thành |
Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả), với việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nên sản phẩm của công ty ngày càng nâng chất lượng và cải tiến mẫu mã.
Theo đại diện công ty, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, cùng sự chủ động trong sản xuất, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống dây chuyền sản xuất chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… Các sản phẩm tiêu biểu của công ty, như trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh. Một số sản phẩm của công ty cũng được xếp vào sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao quốc gia.
Hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất OCOP nhận thức đúng đắn các lợi ích của khoa học công nghệ và chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm. Điển hình như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà); Hợp tác xã Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP. Móng Cái); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi); Công ty TNHH MTV Newstar (Vân Đồn); Trang trại gà Tân An (thị xã Quảng Yên)...
Đặc biệt, với cuộc cách mạng 4.0, thì thương mại điện tử cũng là xu hướng của sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận, học hỏi các kỹ năng hút khách hàng, chiến lược xây dựng, phát triển video ngắn; kỹ năng livestream bán hàng… để đưa sản phẩm lên trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, mở ra thị trường mới, nguồn khách, cơ hội hợp tác mới.
Ông Nguyễn Văn Vọng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết: Quảng Ninh quyết tâm nâng tầm sản phẩm OCOP, xem đây là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế, nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị địa phương. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, liên kết theo chuỗi dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa và các đặc sản địa phương; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, từ công tác lãnh đạo, quản lý đến nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Rà soát, định vị các nhóm sản phẩm, tập trung hỗ trợ hiệu quả các sản phẩm chủ lực và chuẩn hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ qua các kênh truyền thông và nền tảng số như Tiktok, Facebook…
"Văn phòng cũng sẽ tăng cường công tác đánh giá và đề xuất cải tiến các chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2026-2030", ông Vọng nhấn mạnh.