TP. Hạ Long (Quảng Ninh): Tiến gần hơn đến hiện thực hóa cảng cá Hòn Gai Quảng Ninh: Nâng cao trải nghiệm cho du khách tại vịnh Hạ Long |
Trong những năm qua, TP. Hạ Long đã khẳng định vị thế dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Ninh về thành tích giáo dục với số lượng học sinh giỏi các cấp không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu của thời đại và tiến gần hơn tới mục tiêu gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025, thành phố đang nỗ lực vượt qua nhiều thách thức nhằm tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tổ chức khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh năm học 2023-2024 tại TP. Hạ Long. Ảnh: Ban Tuyên giáo Hạ Long |
Thành phố Hạ Long, với vị thế là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của Quảng Ninh, sở hữu nhiều lợi thế vượt trội để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ đã đặt ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn lực, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Hiện tại, thành phố có 117 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó, có 95 trường công lập và 22 trường ngoài công lập, với hơn 100.000 học sinh. Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở các trường học đã trở thành vấn đề cấp bách. Điển hình, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt có gần 2.300 học sinh, vượt quá quy định 36 lớp. Tương tự, Trường Tiểu học Cao Thắng với 1.599 học sinh phải bố trí 41 lớp học, vượt 11 lớp so với quy định.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên đang thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện, thành phố thiếu 582 giáo viên so với định mức, đặc biệt ở các môn như tiếng Anh, Tin học, Thể dục và các môn tích hợp. Việc phân bổ giáo viên linh hoạt tạm thời đáp ứng nhu cầu giảng dạy nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là khi các chương trình đổi mới căn bản và toàn diện đang được triển khai.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TU với mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục thông minh và chuyển đổi số. Với vị thế tiên phong, TP. Hạ Long không chỉ có trách nhiệm thực hiện mục tiêu này mà còn cần đặt ra những chiến lược đột phá để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bà Vi Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hạ Long - nhận định: “Thách thức lớn nhất hiện nay không chỉ nằm ở việc thiếu nguồn nhân lực, mà còn là bài toán cân bằng giữa yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế tại các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số”.
Tại hội thảo khoa học “Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới” tổ chức ngày 14/11, hơn 400 đại biểu, bao gồm các chuyên gia đầu ngành, đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), TP. Hạ Long cần xây dựng một mạng lưới tương tác giữa các khu vực đô thị và miền núi. Các trường học tại đô thị có thể sản xuất bài giảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ để chia sẻ với các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, học sinh ở vùng khó khăn có thể giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của mình như một cách trao đổi và học hỏi.
TP. Hạ Long tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhằm tìm ra những giải pháp để phát triển ngành GD&ĐT đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Ảnh: Ban Tuyên giáo Hạ Long |
GS. Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh tầm quan trọng của “đổi mới sáng tạo xanh” trong giáo dục. Theo ông, học sinh cần được khuyến khích tham gia vào các dự án sáng tạo giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, như giảm thiểu rác thải, phát triển năng lượng tái tạo. Thành phố nên đầu tư xây dựng các trung tâm khởi nghiệp xanh, tạo điều kiện để các ý tưởng này trở thành hiện thực.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và blockchain vào quản lý giáo dục sẽ giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả giảng dạy. TS Kim Mạnh Tuấn từ Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là nền tảng cho một nền giáo dục hiện đại và bền vững”.
Hệ sinh thái giáo dục thông minh của Hạ Long cần bao gồm các công cụ quản lý số hóa, tài nguyên học tập mở, và mạng lưới kết nối giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh và các tổ chức. Điều này sẽ tạo điều kiện để thành phố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TP. Hạ Long đang đứng trước cơ hội lớn để định vị mình trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục. Theo GS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), TP. Hạ Long cần nhìn xa hơn, định vị vị trí của mình không chỉ trong tỉnh Quảng Ninh mà trên phạm vi cả nước.
Với những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, TP. Hạ Long có thể trở thành hình mẫu trong việc phát triển giáo dục thông minh, bền vững và hòa nhập. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để thành phố không chỉ góp phần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.